Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nghĩ khác, học khác trong thế giới bình thường mới
Nguyễn Lê - 30/07/2020 15:59
 
Đó là một trong những thông điệp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPAECC) diễn ra chiều 30/7.
.
Đoàn Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPAECC) - (Ảnh VC)

Thế giới đã thay đổi và chúng ta bước vào một thế giới bình thường mới, trong thế giới này, chúng ta bắt đầu nghĩ khác, sống khác, học khác, giao tiếp khác và làm việc khác.

Đó là một trong những thông điệp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPAECC) diễn ra chiều 30/7 tại Nhà Quốc hội Việt Nam.

Đây là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị chuyên đề để xem xét, thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa nhằm phát triển bền vững khu vực ASEANtheo những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc.

Việc đưa ra sáng kiến này cũng nhằm mục đích tạo ra diễn đàn mang tính thường niên để mỗi nghị viện thành viên AIPA giữ vai trò Chủ tịch sẽ chọn một trong 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 thuộc mối quan tâm của quốc gia cũng như các nghị viện thành viên khác để cùng trao đổi, tìm ra các biện pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu này trong khu vực ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong những năm qua, hợp tác giáo dục và văn hoá giữa các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và thúc đẩy, đạt nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục trong khối ASEAN hiện vẫn gặp một số trở ngại như: khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên  vẫn còn khá lớn về chất lượng, trình độ quản lý, ngân sách dành cho giáo dục..., thiếu tính kết nối  giữa các hệ thống đào tạo khác nhau, việc công nhận bằng cấp của nhau  và quốc tế hoá bằng cấp trong khu vực.

Sát cánh với Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 
Tôi bày tỏ sự ghi nhận những thành quả to lớn của Chính phủ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đã có những ca lây nhiễm mới ở Đà Nẵng và lân cận, cũng như khả năng sẽ tiếp tục ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ những nỗi lực đang được các cơ quan chức năng Việt Nam triển khai để ứng phó với tình huống này. Chúng tôi sát cánh với các cấp chính quyền và nhân dân Việt Nam cũng như với các thành viên khác trong ASEAN trên tinh thần đoàn kết - Ông Kidong Park, quyền điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam.

Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị sẽ trao đổi về vai trò của nghị viện trong việc xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc công nhận chất lượng giáo dục và liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực, cơ chế hợp tác trong phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19, việc huy động và phát huy các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Về hợp tác văn hoá, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị hội nghị trao đổi về việc xây dựng hành lang pháp lý, nâng cao ý thức về du lịch có trách nhiệm; bảo tồn và kết nối di sản văn hóa trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch bền vững; việc huy động và phát huy nguồn lực cho bảo tồn di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa.

Quốc hội Việt Nam mong muốn các Nghị viện thành viên AIPA xem xét khả năng thiết lập một cơ chế lâu dài của AIPA về SDGs. Theo đó, hướng tới thành lập cơ chế định kỳ trong các năm tiếp theo, nước chủ nhà AIPA sẽ lựa chọn trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về các lĩnh vực khác nhau làm chủ đề hội nghị tùy theo tình hình và quan tâm của các nước, ông Hiển bày tỏ.

Tham luận của đoàn Việt Nam tại hội nghị nhấn mạnh, giáo dục từ xa, trực tuyến và mở được coi là các phương thức giáo dục quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG4 và đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo đoàn Việt Nam, các nước đang phát triển đều đứng trước các thách thức về tri thức cần thiết, về năng lực thực hiện và về hạ tầng kỹ thuật. Một trong những giải pháp chính  để vượt qua các thách thức này là đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục, trước hết là hội nhập khu vực về giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, các nghị viện thành viên AIPA đều nhắc tới tác động tiêu cực của đại dịch Covid- 19 và đánh giá cao kết quả chống dịch của Việt Nam.

Liên quan đến giáo dục, Đại diện đoàn Thái Lan cho biết, nước này có dự án truyền hình giáo dục từ xa được khởi động từ năm 1995 nhằm loại trừ sự bất bình đẳng về giáo dục. Dự án này cung cấp dịch vụ giáo dục, học tập và giảng dạy với chât lượng như nhau ở các trường tham gia dự án. Dự án này đã thành công trong hơn 20 năm nay. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid- 19, việc đóng cửa trường học là một trong số các biện pháp nhằm kiểm soát và kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Dự án nêu trên đã được được lựa chọn và giới thiệu tới trẻ em Thái Lan ở mọi cấp như là một hệ thống học tập thay thế trước khi kỳ học mới bắt đầu vào tháng 7.

 

Bốn kiến nghị với Quốc hội để tiếp tục phát huy lợi ích các FTA
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư