Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ngôi nhà chung của doanh nghiệp tỉnh Hà Nam
Đinh Văn Hồng - 15/10/2013 07:59
 
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, sứ mệnh, nhiệm vụ, trở thành ngôi nhà chung của các doanh nghiệp, mang lại sự thịnh vượng chung cho cộng đồng doanh nghiệp và phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Tôn chỉ mục đích, tầm nhìn, sứ mệnh

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tự nguyện của các doanh nghiệp, doanh nhân có địa điểm sản xuất hoặc trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam; là tổ chức tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hà Nam nhằm đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; là đầu mối thúc đẩy và phát triển quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hà Nam với các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp; là cầu nối, kết nối các nguồn lực để nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh, cũng như phát triển và thịnh vượng cho các doanh nghiệp; là tập hợp sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp vì một tỉnh Hà Nam giàu đẹp và hiện đại.

Ông Đinh Văn Hồng, Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam

Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nam phấn đấu trở thành hiệp hội doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh nhất; tổ chức năng động, sáng tạo nhất, chất lượng dịch vụ hoàn hảo nhất, hoạt động chuyên nghiệp nhất, là địa chỉ tin cậy nhất của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hà Nam và là đầu mối mở rộng giao lưu, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sứ mệnh của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam là một gia đình của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, trong đó, luôn luôn dành cho nhau những tình cảm, sự thông cảm và hỗ trợ tốt nhất. Mỗi hội viên vừa là thành viên vừa là chủ nhân của hiệp hội, có trách nhiệm đoàn kết xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh, phát triển; luôn đem lại sự thoả mãn tối đa cho các nhu cầu của hội viên; là thị trường nội bộ trong đó các hội viên cam kết sử dụng dịch vụ của nhau: các hội viên vừa là khách hàng, vừa là đối tác, vừa là nhà đầu tư chiến lược của nhau.

Nhiệm vụ trước mắt

Ngoài nhiệm vụ tập trung các nguồn lực để tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất, xây dựng mô hình tổ chức và mô hình hoạt động cho Hiệp hội theo hướng chuyên nghiệp, tận dụng các nguồn lực của các hội viên đóng góp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam rất quan tâm đến công tác phát triển, chăm sóc hội viên và ưu tiên để Hiệp hội có các hội viên ưu tú có tầm, có tâm, có trách nhiệm; văn phòng làm việc của Hiệp hội là nơi làm việc, hội họp, giao lưu, gặp gỡ của cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam xây dựng các quy định, quy chế hoạt động của Hiệp hội, đảm bảo tính công bằng, công khai, dân chủ và được kiểm soát chặt chẽ; công tác thi đua khen thưởng nhằm động viên, khích lệ, ghi nhận các hội viên có thành tích xuất sắc cho phát triển doanh nghiệp, cho kinh tế - xã hội của địa phương và cho Hiệp hội.

Đồng thời, Hiệp hội cũng thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp của tỉnh, trước mắt là giai đoạn 2011 - 2015, với số lượng doanh nghiệp được thành lập đến năm 2015 đạt 3.760 doanh nghiệp (hàng năm đăng ký thành lập mới khoảng 300 doanh nghiệp); tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp vào GDP của tỉnh đạt từ 50% trở lên; bình quân mỗi năm tạo khoảng 11.000 chỗ làm mới; mỗi năm có trên 60% doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin và tư vấn doanh nghiệp, bình quân mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp… cho khoảng 2.000 lượt người và có khoảng 40% doanh nghiệp trở lên được trợ giúp pháp lý.

Ngôi nhà chung

Về công tác phát triển và đào tạo hội viên, phấn đấu hàng năm số hội viên tăng từ 15 - 20%; thí điểm phát triển chi hội cấp huyện và thành phố nhằm thúc đẩy sự gắn kết, hỗ trợ của Hiệp hội với khu vực doanh nghiệp tại các huyện, thành phố, tiến tới có đầy đủ các chi hội tại các địa phương; thực hiện công tác chăm sóc hội viên như cập nhật thông tin, dữ liệu, hồ sơ doanh nghiệp, tặng quà, thăm hỏi nhân ngày lễ quan trọng của hội viên; kết nối các chương trình giao thương giữa các hội viên với nhau, hội viên với các tổ chức khác, tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo để trao đổi làm tăng sự gần gũi, gắn kết hội viên.

Về công tác hỗ trợ và phát triển kinh doanh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam là đầu mối tập hợp doanh nghiệp lớn, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới, làm gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, địa phương có khả năng gia tăng giá trị thương mại, mời gọi, tìm kiếm các nguồn tài chính, các quỹ đầu tư cho các sản phẩm, dịch vụ.

Hiệp hội cũng tìm kiếm các nhà đầu tư, quỹ đầu tư với vai trò dẫn dắt, giới thiệu đến mạng lưới các nhà đầu tư, các đối tác, các khách hàng cho doanh nghiệp, hội viên; tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ, các nhà tư vấn, các nhà chuyển giao công nghệ cho Hiệp hội, hội viên để phát triển công nghệ, quản lý doanh nghiệp, tiếp thị sản phẩm; đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có các sản phẩm, dịch vụ được ứng dụng công nghệ mới công nghệ cao.

Đối với công tác bảo vệ pháp lý cho hội viên, Hiệp hội thành lập Ban tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp gồm: Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nam, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh để tư vấn, hỗ trợ cho hoạt động doanh nghiệp.

Đồng thời, Hiệp hội nghiên cứu, đề xuất các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hoạt động của doanh nghiệp; hoà giải các vấn đề tranh chấp giữa hội viên với nhau, các vụ kiện giữa hội viên với các đối tác, khách hàng; tư vấn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên trong vấn đề quan hệ giữa chủ sử dụng và người lao động; phối hợp với hội viên làm việc với các cơ quan có liên quan xử lý các vấn đề bức xúc của doanh nghiệp, vì một môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch.

Để truyền thông, quảng bá thương hiệu, hình ảnh hiệp hội, hội viên, Hiệp hội đề xuất với UBND tỉnh, với các cơ quan báo chí địa phương, báo chí trung ương tại địa phương giúp đỡ và hỗ trợ công tác truyền thông về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của hội viên, Hiệp hội; đề xuất với UBND tỉnh hàng năm tổ chức kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10; phối hợp, hợp tác với các tổ chức, các mạng xã hội giới thiệu dịch vụ và sản phẩm cho các hội viên; tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, vì môi trường bền vững, vì tương lai tốt đẹp hơn.

Về công tác kinh tế của Hiệp hội, Hiệp hội nghiên cứu thành lập doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư để đầu tư, hợp tác, đối tác với các hội viên, doanh nghiệp; đầu mối cho mạng lưới nội bộ để tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ của hội viên, của Hiệp hội; đầu tư với hội viên nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện tại, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới có thể mang lại giá trị thương mại trên thị trường.n

(*) Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư