Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Người cộng sự tỉnh táo, đầy trách nhiệm
Bảo Duy - 21/06/2018 09:26
 
Giới kinh doanh và các chuyên gia kinh tế có thể thở phào khi đọc văn bản hoan nghênh ý kiến xây dựng cho Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại trên trang thông tin của Bộ Công thương.

Cam kết không tạo thêm điều kiện kinh doanh, không làm phát sinh giấy phép con cản trở hoạt động của doanh nghiệp đã được ghi rất rõ ràng. 

Chùm bài viết dày đặc các câu hỏi thẳng về khả năng tái hiện giấy phép con, thậm chí là tư duy níu giữ quyền lực cho cơ quan quản lý nhà nước được đăng tải liên tục trên các mặt báo sau khi Dự thảo Nghị định được công bố đã đánh động những dền dứ, dùng dằng của Bộ Công thương trong thực thi yêu cầu của Chính phủ về cải cách, đổi mới tư duy quản lý nhà nước. Chắc chắn, không chỉ những công chức có liên quan ở Bộ Công thương phải giật mình.  

.
.

Cuộc đấu tranh với giấy phép con, với điều kiện kinh doanh vô lý không thể nguội lạnh. 

Báo chí thêm lần nữa làm nóng cuộc đấu trí với tư duy quản lý nhà nước phi thị trường, đi ngược lại cam kết của Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, gây sức ép để các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trở lại đường chạy tới mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính một cách thực chất. 

Cũng có nghĩa, sức nóng đã được bơm thêm vào cuộc tuyên chiến với lợi ích nhóm, với quyền lực phi lý sản sinh đằng sau những quy định bất hợp lý, chồng chéo, cài cắm... trong các đề xuất chính sách từ các bộ, ngành, địa phương và cả các hiệp hội doanh nghiệp. 

Báo chí đã làm việc này liên tục trong nhiều năm qua, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ không ngừng, nhưng đầy khó khăn, phức tạp của nền kinh tế.

Nhiều bài viết không ngần ngại gọi thẳng tên những biến dạng trong các dự án BOT, những lãng phí nghàn tỷ tại các dự án của doanh nghiệp nhà nước, những nỗi niềm của những doanh nhân không dám ký tên dưới những bức thư phản ánh sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của các công chức nhà nước hay nỗi đau từ sự hủy diệt của tham nhũng...

Nhưng, cũng không đếm hết các bài viết kịp thời ghi nhận những thay đổi tích cực của quản lý nhà nước, của môi trường kinh doanh; tôn vinh, cổ vũ những doanh nghiệp, doanh nhân chân chính, sẵn sàng cống hiến, tạo ra giá trị vô cùng lớn cho nền kinh tế.

Rất nhiều lần, báo chí đã trở thành địa chỉ để các luồng tư tưởng, các quan điểm khác nhau ngồi lại, cùng thảo luận, tìm ra hướng nhìn chung để hành động... Trên hành trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, báo chí thực sự là người cộng sự tỉnh táo, đầy trách nhiệm bên cạnh các chuyên gia kinh tế, cộng đồng kinh doanh chân chính. Sẽ còn rất nhiều bài viết đi cùng cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì sự phát triển, phồn vinh của đất nước, của nền kinh tế.

Tất nhiên, người cộng sự của đổi mới cũng không thể đứng ngoài đòi hỏi đổi mới, cải cách trong tư duy, hành động.

Bỏ 1 tăng 10, nhiều bộ chưa tích cực cắt giảm điều kiện kinh doanh
Khi bàn về điều kiện kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn gọi đây là nỗi nhức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư