Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Người trẻ thất nghiệp, nỗi đau của nền kinh tế Trung Quốc
Tư Thuần - 25/05/2023 08:08
 
Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau thời gian chống dịch tạo nên nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề chưa dễ được giải quyết, nhất là tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ ở mức cao.
TIN LIÊN QUAN

Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi chậm, tỷ lệ thất nghiệp với lớp trẻ gia tăng, khiến các vấn đề về ổn định xã hội và triển vọng dài hạn của nền kinh tế gặp thách thức. Trong tháng 4/2023, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ lập đỉnh mới, cao gấp 4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Đây là dấu hiệu đáng báo động nhất là khi vài tháng tới sẽ có hàng triệu sinh viên tốt nghiệp, gia nhập thị trường lao động vào cuối mùa hè.

Tình hình thất nghiệp của người trẻ tệ tới mức nào?

Theo số liệu từ cơ quan thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tuổi tại khu vực đô thị đạt đỉnh mới ở 20,4% trong tháng 4/2023. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2018 tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 6 triệu người trẻ đang không có việc làm. 

Trong khi đó, theo ước tính của Goldman Sachs Group Inc, 23% người trẻ tại khu vực đô thị thất nghiệp, số lượng người trẻ không có việc làm cao hơn 3 triệu người so với thời điểm trước đại dịch.

Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16-24 tuổi chỉ là 6,5%, trong khi con số thất nghiệp của nhóm dưới 25 tuổi tại châu Âu là 14,3%. Tại Ấn Độ, quốc gia có quy mô dân số tương đương Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ ước tính vào khoảng 17,9% năm 2022, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, tình hình tại Trung Quốc ở mức đáng báo động và có dấu hiệu sẽ còn xấu hơn. Khoảng 12 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ tốt nghiệp mùa hè năm nay và gia nhập thị trường lao động. Nhiều khả năng tỷ lệ thất nghiệp tại nhóm 16-24 tuổi sẽ tăng lên mức trên 25%, theo CitiGroup Inc.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16-24 tuổi (đường màu đen) cao gấp 4 lần so với tỷ lệ chung (đường màu vàng)

Tại sao tỷ lệ tại Trung Quốc cao như vậy?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ tại Trung Quốc cao như vậy, trong đó có yếu tố nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và cơ cấu nền kinh tế trong dài hạn. Những người trẻ thường tập trung làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, ví dụ nhà hàng, bán lẻ. Đây là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, khi Trung Quốc thực hiện các chính sách phong toả chống dịch nghiêm ngặt.

Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%, mức thấp thứ hai trong lịch sử hơn 40 năm qua.

Bên cạnh đó, việc chính quyền Bắc Kinh mạnh tay kiểm soát các lĩnh vực giáo dục, công nghệ và bất động sản - vốn là các ngành có tỷ lệ sử dụng lao động cao – cũng khiến nhiều việc làm mất đi trong những năm gần đây.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng xuất phát từ những thay đổi dân số. Trung Quốc hiện sở hữu lượng lao động tốt nghiệp đại học nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào từ trước tới nay và nhiều người từ chối làm việc có mức lương thấp, thời gian làm việc dài.

Theo đó, có sự bất cân xứng giữa yêu cầu của người lao động và các vị trí công việc sẵn có. Chẳng hạn, theo số liệu của Goldman Sachs, tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học trong giai đoạn 2019-2021 tăng 20% so với giai đoạn trước đó, trong khi nhu cầu tuyển dụng tại khu vực yêu cầu kỹ năng và trình độ đại học lại giảm sút.

Lao động trẻ tập trung chủ yếu tại lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ

Điều này tác động như thế nào tới nền kinh tế?

Gia tăng tỷ lệ thất nghiệp đồng nghĩa với việc người trẻ tạo ra ít thu nhập hơn, hạn chế chi tiêu cho các loại hàng hoá như điện thoại di động, giải trí, du lịch…, từ đó hạn chế nhu cầu đối với đầu ra sản phẩm - dịch vụ của nền kinh tế.

Đáng chú ý, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm người tiêu dùng trẻ tại thị trường Trung Quốc không chỉ là động lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn tác động tới thị trường tiêu dùng toàn cầu.

Tỷ lệ thất nghiệp cao cũng ảnh hưởng tới sự tự tin tăng trưởng của nền kinh tế và tác động tiêu cực tới khả năng sản xuất – kinh doanh trong dài hạn, cũng như năng suất lao động. Tại Trung Quốc, những bất ổn xã hội cùng áp lực làm việc đang tạo nên trào lưu người trẻ “chạy trốn” áp lực xã hội, không làm việc, chỉ dật dờ sống qua ngày. Điều này tạo nên rủi ro với ổn định xã hội, khi người trẻ trở nên giận dữ, tuyệt vọng vì thiếu cơ hội phát triển.

Chính phủ Trung Quốc đang làm gì?

Để giải quyết tình trạng hiện tại, chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng thêm lao động tốt nghiệp đại học, cố gắng đẩy mạnh việc chuyển đổi giáo dục để có các lao động kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc hiện có.

Tuy nhiên, khả năng tạo ra việc làm phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ. Hiện tại, dù nền kinh tế Trung quốc đang trên đà hồi phục sau mở cửa, nhưng tiêu dùng chưa quay lại mức trước đại dịch. Lĩnh vực kinh tế tư nhân cần sự tự tin để mở rộng hoạt động, từ đó tuyển dụng thêm lao động…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư