Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư chọn châu Á làm nơi ẩn náu trước thềm bầu cử Mỹ
Đông Phong - 30/10/2024 11:50
 
Giới đầu tư bán ra đồng yên và trú ẩn bằng tiền mặt khác, đồng thời nhắm đến thị trường an toàn hơn như Ấn Độ và Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại cuộc bầu cử Mỹ có thể làm rung chuyển dòng tiền và thương mại toàn cầu.

"Đứng ngoài cuộc và ngồi chờ"

Các thị trường tài chính của châu Á đang ở đầu sóng ngọn gió trước tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 biến động khó lường, bởi châu lục này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ, đồng thời cổ phiếu và tiền tệ của khu vực rất nhạy cảm với những biến động chính sách thương mại của Nhà Trắng.

Cho nên, các nhà quản lý tiền tệ tránh cược thẳng vào kết quả bầu cử Mỹ. Thay vào đó, họ chọn cách giảm thiểu rủi ro bằng việc giảm bớt đặt cược vào các nhà sản xuất Nhật Bản và cổ phiếu Hong Kong và tăng cược đối với những thị trường có khả năng sinh lời như Ấn Độ và Trung Quốc, bất kể ông Trump hay bà Harris là chủ nhân mới của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới.

Thị trường Trung Quốc được xem là nơi ẩn náu tốt cho nhà đầu tư trước thềm bầu cử Mỹ 2024. Ảnh: AFP
Thị trường Trung Quốc được xem là một nơi ẩn náu tốt cho nhà đầu tư trước thềm bầu cử Mỹ 2024. Ảnh: AFP

"Chúng tôi thực sự coi Trung Quốc là một nơi ẩn náu tốt", ông Jon Withaar, nhà quản lý quỹ đầu cơ tại công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management, cho biết, đồng thời lý giải rằng thị trường Trung Quốc có nhiều động lực trong nước và mức độ tương quan thấp hơn với các biến động tài sản toàn cầu.

"Điều tốt nhất chúng ta nên làm là chỉ đứng ngoài và ngồi chờ", ông Withaar khuyến cáo các nhà đầu tư. Trước đó, ông đã cắt giảm các khoản cược đầu tư vào Nhật Bản - thị trường mà thuế quan gây rủi ro cho các nhà sản xuất ô tô, cùng với Hong Kong - thị trường nơi mà các công ty Trung Quốc đang tập trung niêm yết.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp bước vào thời khắc then chốt, tỷ lệ cược cho thấy ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang dẫn trước ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris và các thị trường tài chính đã chuyển sang bán trái phiếu Mỹ và mua vào đồng đô la Mỹ với dự đoán chính quyền Trump sẽ làm tăng lạm phát.

Ở châu Á, đồng yên Nhật có lợi suất thấp được ưa chuộng so với đồng đô la Mỹ. Thật vậy, Đồng yên đã rớt giá 6,5% so với đồng đô la Mỹ trong tháng này, đánh dầu mức giảm sâu nhất của bất kỳ loại tiền tệ trong rổ G10.

Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Vantage Point Asset Management, Nick Ferres, người đang giữ vị thế bán khống đồng yên và nắm giữ cổ phiếu Nhật Bản, cho biết: "Chúng tôi cho rằng ông Donald Trump sẽ chiến thắng và thậm chí có thể là một chiến thắng áp đảo của đảng Cộng hòa".

"Ngụ ý đối với đồng đô la Mỹ là ông Trump có thể ủng hộ mức tăng giá hơn một chút... hậu quả có thể là lãi suất sẽ tăng cao hơn và thậm chí có nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn nữa vẫn đang chờ đợi Fed", ông Ferres nhận định.

Tìm kiếm thị trường ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ

Các nhà đầu tư cho biết họ cũng đang tìm kiếm các thị trường ít bị ảnh hưởng nhất bởi rủi ro thuế quan của Mỹ hoặc nơi có những động lực lớn khác, chẳng hạn như thị trường Trung Quốc với những kế hoạch kích thích được công bố gần đây.

Tại Đông Nam Á đồng đô la Singapore được dự đoán sẽ đứng vững so với các loại tiền tệ trong khu vực, theo ông Ray Sharma-Ong, giám đốc giải pháp đầu tư đa tài sản khu vực Đông Nam Á tại công ty đầu tư toàn cầu abrdn.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Ấn Độ cũng được đánh giá là có thể an toàn trước những biến động.

"Ấn Độ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế trong nước mạnh mẽ, ít bị ảnh hưởng bởi xung đột thương mại tiềm ẩn do tỷ trọng xuất khẩu trong GDP ở mức thấp và xu hướng nghiêng về xuất khẩu dịch vụ, được hỗ trợ bởi lợi nhuận cao mà không phụ thuộc vào công nghệ", ông Ray Sharma-Ong phân tích.

Đại diện abrdn cho biết thêm: "Chúng tôi cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ để mắt hơn đến các lĩnh vực phòng thủ với mức độ tiếp xúc thấp hơn với xuất khẩu và các mức thuế quan tiềm năng", chẳng hạn như nhóm hàng thiết yếu và tiện ích.

Kết quả thăm dò cho thấy cuộc đua quá sít sao vào Nhà Trắng giữa ông Trump và bà Harris là có thể đoán được và đi kèm khả năng việc kiểm phiếu sẽ kéo dài hoặc gây tranh chấp, điều đó đồng nghĩa là các tác động chính sách có thể không rõ ràng ngay lập tức.

"Thành thật mà nói, tôi không biết ông Trump có thể đạt được điều gì", ông John Hempton, Giám đốc đầu tư tại quỹ đầu cơ Bronte Capital (Sydney), nói.

"Nếu tôi thực sự không biết mình đang làm gì, thì tôi chỉ cố gắng tránh xa - cố gắng giảm thiểu thiệt hại", ông Hempton cho biết.

Theo Goldman Sachs, các quỹ ở thị trường mới nổi đã tăng mức độ tiếp cận thị trường Trung Quốc và Bắc Á trong tháng qua, quá trình này có thể tăng tốc nhanh chóng sau thời gian bầu cử tổng thống Mỹ và sự bất ổn bao trùm các nhà đầu tư được giải tỏa.

Trong bối cảnh Trung Quốc củng cố nền kinh tế và Mỹ hạ lãi suất, ông Gary Tan, giám đốc danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản toàn cầu Allspring Global Investments, cho rằng: "Cổ phiếu ở các thị trường mới nổi sẽ có vị thế tốt để vượt trội vào năm tới, bất luận kết quả bầu cử ra sao".

Hơn nữa, "chúng tôi thấy chiến thắng của bà Harris có phần tích cực hơn đối với các thị trường mới nổi", ông Tan nhận xét.

Ngóng thị trường chứng khoán sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang trong chặng nước rút. Liệu bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư