Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhà đầu tư chọn cổ phiếu ngành nào?
Bá Thư - 15/04/2013 06:15
 
Theo các chuyên gia, có thể hướng tới những ngành “ngấm” chính sách nhất, như nông nghiệp và hàng tiêu dùng.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, những nỗ lực về chính sách của Nhà nước thời gian qua sẽ dần tác dụng tới nền kinh tế, trong đó, một số ngành “ngấm” chính sách tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng

Cụ thể, kinh doanh hàng xuất khẩu; nông nghiệp và những ngành liên quan tới nông nghiệp như thủy sản, phân bón sẽ tiến triển tích cực.

Không chỉ bởi lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là nông nghiệp, mà còn bởi những chính sách tín dụng hiện đang hướng tới hỗ trợ ngành này, khi Ngân hàng Nhà nước có chính sách ưu đãi cho nhóm này vay vốn giá rẻ.

Bên cạnh đó, hàng tiêu dùng như sữa , đồ uống, đồ ăn nhanh cũng sẽ có triển vọng tốt, bởi Việt Nam có dân số đông, lực lượng lao động trẻ, nên nhu cầu tiêu dùng còn lớn so với các nước đã phát triển.

“Do các doanh nghiệp tại Việt Nam hầu hết đều là đa ngành, đa nghề, nên khó có thống kê tin cậy về triển vọng cũng như mức tăng trưởng của từng ngành. Tuy vậy, những ngành, nghề có phản ứng tốt với chính sách như vừa nêu cũng sẽ có lợi nhuận tốt hơn mặt bằng chung”, ông Dũng nhận định.

Ông Lê Công Thiện, Giám đốc môi giới, Côngty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng đánh giá, một số ngành nghề có thể đạt được sự ổn định hay thậm chí tăng trưởng doanh thu trong năm 2013 bao gồm hàng tiêu dùng thiết yếu, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, các công ty khai thác dịch vụ hậu cần cảng biển, các công ty nhiệt điện.

Ông Lê Công Thiện

Thêm vào đó, quá trình xử lý nợ xấu cũng sẽ tác động tốt đến một số ngân hàng thương mại cổ phần đang niêm yết.

Ngoài ra, chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản khiến đồng yên giảm mạnh trong thời gian qua cũng có tác động đến các doanh nghiệp có vay nợ lớn bằng đồng tiền này, và các nhà nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi

Chuyên gia phân tích độc lập Phạm Kinh Luân cũng cho rằng, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ những chính sách đã, đang và sẽ thực thi, nhưng với mỗi doanh nghiệp, điều này còn phụ thuộc vào sự nhanh nhạy của bộ máy lãnh đạo.

Ông Luân nêu ví dụ: Các chính sách hiện nay đang hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản rất nhiều, nhưng nếu doanh nghiệp đó không có vùng nuôi, không chuẩn bị được sản phẩm thì sẽ khó cạnh tranh được. Hoặc doanh nghiệp không biết tái cấu trúc, vẫn tiếp tục dàn trải thì cũng không tận dụng được sự hỗ trợ của chính sách.

Chính vì thế, theo ông Luân, rất khó nói ngành nào sẽ có tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2013. Tuy vậy, sự phân hóa trong khả năng sinh lời giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành sẽ là rất lớn.

Ông Phạm Kinh Luân

Ví dụ, trong lĩnh vực ngân hàng, những ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cấu trúc chắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng những ngân hàng có nền tảng vững chắc, mạng lưới rộng thì khả năng tận dụng cơ hội từ chuyển động chính sách chắc chắn sẽ tốt hơn.

Ông Luân cũng cho rằng, để chữa bệnh cho nền kinh tế, bao giờ cũng phải chữa bệnh cho hệ thống ngân hàng - hệ mạch máu đầu tiên. Chính vì thế, xác định cổ phiếu ngân hàng nào đáng được giải ngân, phải nhìn vào tiến trình tái cấu trúc tổ chức tín dụng.

Với mục tiêu đến năm 2015, cả nước có 15 ngân hàng mạnh và xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, thì rõ ràng, các ngân hàng sẽ có sự phân hóa đáng kể. "Chọn mặt" cổ phiếu ngân hàng để "gửi vàng" phải căn cứ trên bình diện rộng này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư