Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư dự án BT mắc kẹt tại TP.HCM
Lê Quân - 04/08/2022 11:24
 
Một số nhà đầu tư đang mắc kẹt với dự án BT (đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao) ở TP.HCM, phát sinh nhiều chi phí do thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM giai đoạn I vẫn chưa hoàn thành như kế hoạch. Ảnh: Lê Quân

Dự án kéo dài, nhà đầu tư lỗ lớn

Sáu năm trước, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM (giai đoạn I, còn gọi là Dự án Chống ngập) quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở TP.HCM (tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng, đi qua 6 quận/huyện) được khởi công rầm rộ. 

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4/2018, giúp kiểm soát ngập do triều cường trên diện tích 570 km2. Ước tính, có khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM sẽ được hưởng lợi từ dự án này. Thế nhưng, đến nay, sau nhiều lần trễ hẹn, Dự án chưa thể hoàn thành.

Vướng mắc lớn nhất ở dự án này là phương thức thanh toán cho nhà đầu tư. Theo hợp đồng đã ký giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư, Dự án được đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Nhưng sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021, hình thức đầu tư BT bị xóa bỏ, nên Dự án bị đình trệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư Dự án) cho biết, Dự án vướng mắc trong vấn đề ký phụ lục hợp đồng. Phía UBND TP.HCM đề xuất tách phần đất thanh toán cho nhà đầu tư với thời gian thực hiện hợp đồng Dự án, song phía ngân hàng tài trợ vốn và nhà đầu tư chưa đồng ý với phương án trên, nên phụ lục hợp đồng vẫn chưa được ký.

“Với dự án này, Trung Nam xác định không có lợi nhuận, mà chỉ quan tâm đến việc lỗ nhiều hay lỗ ít. Chúng tôi mong sớm xong Dự án để còn thực hiện các dự án khác”, đại diện Tập đoàn Trung Nam nói.

Tương tự, Dự án Đường vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1) dài 2,7 km khởi công năm 2017 đến nay cũng chưa thể hoàn thành do vướng mặt bằng và phương thức thanh toán cho nhà đầu tư.

Cụ thể, tháng 4/2015, Chính phủ có có công văn đồng ý cho TP.HCM áp dụng chỉ định nhà đầu tư BT thực hiện Dự án Đường vành đai 2. Tháng 11/2016, UBND TP.HCM ký hợp đồng với Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest - Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái để thực hiện Dự án theo hình thức BT.

Ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái cho biết, đến nay, nhà đầu tư đã ứng gần 1.400 tỷ đồng để chi trả giải phóng mặt bằng và thi công Dự án. Theo hợp đồng đã ký kết, nhà đầu tư được thanh toán một số khu đất ở các quận trung tâm TP.HCM. Sau khi có những điều chỉnh về thực hiện các hợp đồng BT, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành rà soát lại hợp đồng đã ký. Việc rà soát này đã được thực hiện trong thời gian rất dài, nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa được giao khu đất nào.

Việc dừng thi công khiến thời gian hoàn thành Dự án bị kéo dài và phát sinh chi phí. Tính đến cuối năm 2021, Dự án đã phát sinh hơn 230 tỷ đồng tiền lãi sau gần 2 năm ngưng trệ.

Ánh sáng le lói cuối “đường hầm”

Trước tình trạng 2 dự án BT tại TP.HCM bị đình trệ quá lâu, nhà đầu tư “kêu cứu” trong thời gian dài, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ cho 2 dự án này.

Với Dự án này, Trung Nam xác định không có lợi nhuận, mà chỉ quan tâm đến việc lỗ nhiều hay lỗ ít. Chúng tôi mong sớm xong Dự án, để còn thực hiện các Dự án khác.

- Đại diện Tập đoàn Trung Nam, chủ đầu tư Dự án Chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM

Sau khi TP.HCM báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về quỹ đất thanh toán hợp đồng BT cho Dự án Chống ngập, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ giao UBND TP.HCM nghiên cứu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan, trường hợp cần thiết chủ động làm việc phối hợp với các bộ, ngành để có hướng dẫn cụ thể theo quy định.

Sau đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận về nguyên tắc chủ trương sử dụng 3 khu đất dự kiến thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư, gồm: khu đất Lô C8A (khu A) tại Khu đô thị mới Nam Thành phố (quận 7) diện tích 5.500 m2; khu đất tại số 762 - Bình Quới (quận Bình Thạnh) diện tích 4.298 m2 và khu đất số 232 - Đỗ Xuân Hợp (TP. Thủ Đức) diện tích 17.573 m2.

Về pháp lý, UBND TP.HCM đã rà soát việc thanh toán bằng quỹ đất hợp đồng BT, Chính phủ đã chấp thuận cho UBND TP.HCM được tiếp tục triển khai Dự án theo hình thức hợp đồng BT căn cứ theo quy định hiện hành và Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2022. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, TP.HCM sẽ thực hiện thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường giao, thuê đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký kết đúng quy định.

Đối với dự án BT xây dựng đoạn đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - (Quốc lộ 1), UBND TP.HCM kiến nghị thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư tại 4 khu đất gồm: khu đất tại số 234 - Lý Tự Trọng (quận 1) diện tích 642 m2; khu đất số 582 - đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) diện tích 12.240 m2; khu đất số 132 - đường Đào Duy Từ (quận 10) diện tích hơn 10.618 m2 và khu đất số 12 - Kỳ Đồng (quận 3) diện tích đất 940 m2.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư