Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều doanh nghiệp FDI có thể thoát “án treo”
Bảo Duy - 30/04/2013 06:30
 
Cơ hội được tiếp tục hoạt động và mở rộng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa đăng ký lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp đang hé mở.
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp FDI thành lập trước 1/7/2006 có thể sẽ được quyền lựa chọn thời điểm đăng ký lại.

Ít nhất là 27 doanh nghiệp (DN) FDI của TP.HCM đã hết hạn hoạt động vào cuối năm 2012 theo giấy phép đầu tư được cấp trước ngày 1/7/2006, thời điểm có hiệu lực của Luật DN năm 2005, sẽ được “cứu” nếu kiến nghị của Chính phủ về việc bãi bỏ thời hạn đăng ký lại đối với DN FDI được Quốc hội chấp thuận.

Nếu được như vậy, khoảng 3.000 DN FDI còn lại trong số 6.000 DN FDI thuộc diện phải đăng ký lại sẽ thoát khỏi “án treo” khi thời hạn chót cho việc thực hiện các thủ tục về đăng ký lại là ngày 1/7/2011, sau 2 lần gia hạn (thời hạn đầu tiên là vào năm 2007). Bởi đa phần DN được cấp phép trước năm 2006 có thời gian hoạt động khoảng 20 năm. Nếu không đăng ký lại theo quy định của Luật DN, sau khi thời hạn đầu tư kết thúc, họ sẽ phải chấm dứt hoạt động và giải thể.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013 vào cuối tuần trước, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định này để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các DN FDI ngay trong kỳ họp lần thứ 5 sẽ diễn ra vào tháng 5/2013.

Theo đó, khoản 2, Điều 170, Luật DN năm 2005 được đề nghị sửa đổi theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của DN FDI, cho phép DN được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại bất kỳ thời điểm nào thích hợp.

Theo phương án này, DN đăng ký lại và DN chưa đăng ký lại đều hoạt động trên cơ sở Luật DN và Luật Đầu tư. Tuy nhiên, với DN chưa đăng ký lại còn tiếp tục duy trì nguyên tắc tổ chức và hoạt động đã thỏa thuận tại Điều lệ DN thì phải bảo đảm không trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đề xuất nội dung sửa đổi này sẽ được thực hiện ngay từ 1/7/2013, thay vì phải chờ đợi sửa đổi Luật DN.

Cần phải nhắc lại, mục tiêu của việc yêu cầu DN FDI đăng ký lại là nhằm thống nhất hoạt động của các DN theo Luật DN và Luật Đầu tư.

Hơn thế, về bản chất, việc đăng ký lại của DN FDI liên quan đến nguyên tắc quản trị DN. Nếu trước đây, việc quản trị DN được thực hiện theo nguyên tắc đối nhân (cụ thể là nguyên tắc nhất trí), thì kể từ khi Luật DN năm 2005 có hiệu lực, việc quản trị DN được thực hiện theo nguyên tắc đối vốn (quyền quyết định thuộc về đại diện 65% vốn điều lệ).

Tuy vậy, đây lại là điểm nghẽn, dẫn tới số doanh nghiệp FDI thực hiện đăng ký lại rất khiêm tốn. Nhiều DN đã không có được sự nhất trí trong HĐQT về việc tiến hành đăng ký lại, nhất là trong các DN có một bên liên doanh yếu thế hơn.

Bên cạnh đó, ông Lê Nết, Luật sư Công ty Luật LCT, cũng cho biết, nhiều khách hàng là DN FDI không muốn thực hiện quy định này vì e ngại việc thực hiện các ưu đãi đầu tư sau khi đăng ký lại. “Trong giấy phép đầu tư được cấp cho các DN trước năm 2006, nội dung các ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng ghi rất rõ. Nhưng giấy chứng nhận đầu tư mà họ nhận lại khi thực hiện đăng ký lại không có nội dung này. Cho dù về nguyên tắc, các ưu đãi không thay đổi song điều này khiến nhiều nhà đầu tư không thực sự an tâm”, ông Nết cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư