Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Những đại gia nợ 'khủng' nhất sàn chứng khoán
- 08/05/2013 12:46
 
12 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn có mức vay nợ trên 2.000 tỷ đồng trong tài khóa 2012.
TIN LIÊN QUAN

Năm 2012, hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM có hàng chục doanh nghiệp vay, nợ ngắn hạn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó 12 doanh nghiệp thuộc hàng top với số nợ từ 2.000 tỷ đồng trở lên, chủ yếu là vay ngân hàng, theo số liệu của VNDirect. Những con số này mới chỉ tính riêng cho các khoản vay hạch toán trên báo cáo tài chính trong cả năm 2012 và chưa bàn tới tỷ lệ an toàn vốn trên tổng tài sản.

Một điểm chung là những đại gia có tên trong danh sách hầu hết là các doanh nghiệp có cổ phiếu blue-chip trên sàn chứng khoán, hoặc nằm trong rổ VN30, HNX30. Dẫn đầu danh sách là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) với gần 5.490 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu 12%. Dù vậy số nợ này vẫn thấp hơn 20% so với năm 2011.

Tiếp cận vốn vay khó là một trong những nguyên do khiến các doanh nghiệp tập trung vay ngắn hạn. Ảnh: HH

Theo báo cáo kiểm toán Vinaconex, đến 31/12/2012, các khoản vay ngân hàng và tổ chức tín dụng khác chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng gần 18%, tương đương 3.747 tỷ đồng. Một số khoản vay ngắn hạn cá nhân (từ công ty mẹ và các công ty con), cùng những khoản dài hạn đến ngày đáo hạn cũng được công ty thanh toán xong 15-55%.

Các khoản vay ngắn hạn từ cá nhân của Vinaconex không được đảm bảo và chịu lãi suất 5-14% trong năm. Dù vậy, so với tổng tài sản, số tiền nợ nần của Vinaconex chỉ tương đương khoảng 20%.

Một đại gia khác gánh nợ khủng trong năm qua phải kể đến Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã CK: PVX) với 2.688 tỷ đồng vay ngắn hạn, cũng giảm 20% so với năm 2011. So với các gương mặt tên tuổi khác trong danh sách, mức nợ này ở tầm trung, tuy nhiên Xây lắp Dầu Khí lại là doanh nghiệp duy nhất hoạt động bết bát và chịu lỗ tới hơn 1.338 tỷ đồng năm qua.

Chủ nợ của công ty bao gồm các ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Bảo Việt, MB, Liên Việt, Đại Dương, Sài Gòn Hà Nội (mã CK: SHB), Phát triển TP HCM… và cả tổ chức tín dụng như Tài chính Dầu Khí Việt Nam (PVFC, mã CK: PVF). Trong đó, khoản vay chiếm tỷ trọng cao nhất là Ngân hàng cổ phần Đại Dương với hơn 1.146 tỷ đồng.

Dù làm ăn phát đạt, lợi nhuận sau thuế từ hàng trăm cho tới cả nghìn tỷ, không ít doanh nghiệp vẫn "ôm" những khoản nợ cao ngất ngưởng, gần bằng hoặc vượt chủ sở hữu hiện có của công ty. Năm 2012, vay ngắn hạn Tập đoàn Hoa Sen (mã CK: HSG) đạt 2.039 tỷ đồng, nhỉnh hơn vốn chủ sở hữu hiện thời là 21 tỷ đồng, 92% nợ là vay ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế năm 2012 của Tập đoàn Hoa Sen đạt 368 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2011.

Một đại gia khác là Tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG) cũng thu lợi nhuận sau thuế hơn 994 tỷ đồng nhưng vay ngắn hạn lên tới 4.850 tỷ đồng, hơn 80% là vay ngân hàng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu Hòa Phát hiện là 8.085 tỷ đồng, cộng thêm trị giá tổng tài sản gần 19.000 tỷ đồng nên vẫn khiến các nhà đầu tư an tâm.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận Phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng hiện tượng vay nợ khủng có thể là một phần trong kế hoạch "đảo nợ" của các doanh nghiệp. "Vay dài hạn trong tình hình hiện nay rất khó, do vậy các doanh nghiệp đành phải vay ngắn hạn, trong đó không thiếu mục đích vay nhằm đảo nợ và thanh toán một số khoản khác đến ngày đáo hạn", ông Tuấn nói thêm.

Để vay vốn dài hạn, doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể, dự án rõ ràng và tài sản bảo đảm rất lớn. Nếu công ty nào thỏa mãn được, ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay và rất muốn tìm đối tượng khách hàng vay dài hạn và tốt như vậy. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp hiện có nhu cầu vay vốn ngắn hạn lại xuất phát từ khó khăn của những dự án trước đó, nhu cầu đòi hỏi vốn mới không nhiều trong khi sức cầu kinh tế lại đang yếu, do vậy khả năng vay để cầm cự vào đảo nợ là thực tế hơn, ông Tuấn chia sẻ.

Chung quan điểm trên, ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng phân tích tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (mã CK: SHS) cũng cho rằng cơ hội tiếp cận vốn vay dài hạn hiện thời của doanh nghiệp dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa diễn ra trên diện rộng. Bản thân các ngân hàng do nguồn huy động phần nhiều là vốn ngắn hạn nên cũng phải cân đối về kỳ hạn giữa đầu vào và đầu ra.

Điều này khiến một số doanh nghiệp buộc phải sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn để tài trợ cho các dự án mở rộng sản xuất mang tính dài hạn. Theo đó, doanh nghiệp đi vay có thể sẽ gặp khó khăn về thanh khoản khi hoạt động sản xuất kinh doanh không thuận lợi, dẫn đến nguồn thu không đủ để chi trả cho các khoản vay trong khi dự án đang triển khai lại chưa thể sinh lời ngay lập tức. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, không thể trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng tác động trở lại tới các nhà băng, ông Hiển nói thêm.

Tường Vi

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư