Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Những điểm nổi bật của Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
Những điểm nổi bật của Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 thì việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập và việc kê khai của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (gọi tắt là người kê khai) phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc kê khai được thực hiện theo mẫu do Chính phủ quy định. Theo đó, ngày 30/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi tắt là Nghị định 130/2020/NĐ-CP) nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa có Văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ trưởng cho triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Nhằm thực hiện tốt việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bài viết xin nêu một số điểm nổi bật của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP và lưu ý cần thiết khi thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

1. Thứ nhất, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Khoản 3 Điều 30 Nghị định 130/2020/NĐ-CP)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn bộ những người có nghĩa vụ kê khai hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thẩm quyền quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định tại Điều 31 Luật Phòng, chống tham nhũng.

2. Thứ hai, về mẫu bản kê khai (Điều 9 Nghị định 130/2020/NĐ-CP)

- Đối với kê khai lần đầu, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ cho công tác tổ chức cán bộ được thực hiện theo Mẫu bản kê khai tại Phụ lục I của Nghị định (Lưu ý: Kê khai lần đầu không phải kê khai mục III, không tự ý thay đổi tên gọi, thứ tự các nội dung quy định tại mẫu này).

- Đối với kê khai bổ sung được thực hiện theo Mẫu bản kê khai tại Phụ lục II của Nghị định (Lưu ý: Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; Phần III của bản kê khai chỉ kê khai về những tài sản mới tăng thêm, không kê khai lại những tài sản đã kê khai trước đó).

3. Thứ ba, về người có nghĩa vụ kê khai hằng năm

- Khoản 1 Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định cụ thể các ngạch công chức và chức danh có nghĩa vụ kê khai bao gồm: Chấp hành viên, Điều tra viên, Kế toán viên, Kiểm Lâm viên, Kiểm sát viên, Kiểm soát viên ngân hàng, Kiểm soát viên thị trường, Kiểm toán viên, Kiểm tra viên của Đảng, Kiểm tra viên hải quan, Kiểm tra viên thuế, Thanh tra viên,Thẩm phán;

- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP;

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Thứ tư, về cách thức tổ chức việc kê khai

Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tổ chức việc kê khai như sau:

- Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai và gửi cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền;

- Hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập cho người có nghĩa vụ kê khai;

- Lập sổ để theo dõi việc giao, nhận bản kê khai (Lưu ý: Sổ theo dõi phải thể hiện ngày giao Mẫu bản kê khai cho người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập; ngày  tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập của đơn vị quản lý, sử dụng người kê khai từ người kê khai; ngày giao nộp bản kê khai của đơn vị quản lý, sử dụng người kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền);

- Hướng dẫn người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm kê khai 02 bản theo mẫu quy định và gửi 02 bản kê khai đó cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng mình (Lưu ý: Người kê khai phải ký đầy đủ vào các trang và ký ghi rõ họ tên ở trang cuối cùng của bản kê khai; ghi ngày hoàn thành việc kê khai và ngày giao nộp bản kê khai cho người có trách nhiệm);

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ khaicó trách nhiệm tiếp nhận và quản lý bản kê khai. Khi tiếp nhận bản kê khai phải kiểm tra tính đầy đủ của các nội dung phải kê khai, trường hợp bản kê khai không đúng theo mẫu hoặc không đầy đủ về nội dung thì cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu người đó khai bổ sung hoặc khai lại, thời hạn khai bổ sung hoặc khai lại là 07 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được bản kê khai, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm bàn giao 01 bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền.

5. Thứ năm, về công khai bản kê khai

- Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền;

-  Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được tổ chức công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc;

- Có 02 hình thức công khai bản kê khai:

+ Công khai bằng hình thức niêm yết: Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày liên tục; Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho mọi người rễ đọc các bản kê khai. Việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó có nghi rõ các bản kê khai được niêm yết, có chữ ký xác nhận của người đứng đầu đơn vị đó và đại diện tổ chức công đoàn (Lưu ý: Cần lập biên bản bắt đầu niêm yết và biên bản kết thúc việc niêm yết);

+  Công khai tại cuộc họp: Cuộc họp công khai phải bảo đảm tối thiểu 2/3 số người được triệu tập có mặt; Người chủ trì cuộc họp tự mình hoặc phân công người khác đọc các bản kê khai hoặc từng người tự đọc bản kê khai của mình; Biên bản cuộc họp phải ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình của người kê khai (nếu có). Đồng thời, Biên bản phải có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đại diện tổ chức công đoàn đơn vị đó;

- Bản kê khai của các Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư được niêm yết tại trụ sở Bộ hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn bộ lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên;

- Bản kê khai của người có chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống được niêm yết tại đơn vị đó hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể lãnh đạo các phòng trở lên trong đơn vị, nếu đơn vị nào không có cấp phòng thì cuộc họp gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị;

- Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm;

- Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

6. Thứ sáu, về xác minh tài sản, thu nhập

- Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hằng năm;

- Kế hoạch xác minh hằng năm phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Trong thời hạn 10 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh, việc tổ chức cần mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham dự để chứng kiến sự lựa chọn;

- Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính;

- Số người được lựa chọn để xác minh phải bảo đảm tối thiểu 10% trên tổng số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là lãnh đạo đơn vị.

7. Thứ bảy, về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai (khoản 1 Điều 20 Nghị định 130/NĐ-CP)

- Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức sau: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi miễn; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch;

- Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức sau: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Kê khai tài sản không trung thực có thể bị cách chức
Che giấu tài sản, kê khai tài sản không trung thực có thể bị cách chức; phạt 16 triệu đồng nếu bao che người trốn thuế... là những chính sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư