Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Những mảng sáng tối của nền kinh tế
Hà Nguyễn - 26/08/2013 06:48
 
Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế sau 2/3 chặng đường của năm 2013 vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. >>> 10.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động >>> Nhập siêu 576 triệu USD trong 8 tháng >>> Tháng 8, CPI cả nước tăng 0,83%

Lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tăng khá cao có thể coi là những điểm sáng của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khó khăn chung khiến chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở mức thấp.
(Ảnh: Hà Thanh)

Số liệu thống kê cho thấy, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2013 bất ngờ tăng tốc, tăng tới 0,83% so với tháng trước, sau 5 tháng có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể (tháng 3 giảm 0,19%, tháng 4 tăng 0,02%; tháng 5 giảm 0,06%; tháng 6 tăng 0,05% và tháng 7 tăng 0,27%), song lạm phát cộng dồn sau 8 tháng đầu năm vẫn ở mức 3,53%.

Với con số này, năm 2013, Việt Nam hoàn toàn có thể kiềm chế lạm phát dưới 8% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Với quan điểm rằng, 4 tháng cuối năm, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến giá cả thị trường, như chuyện tăng giá dịch vụ y tế, Tổng cục Thống kê dự báo, lạm phát năm nay có thể sẽ vào khoảng 7%.

Tháng 8/2013, với việc tăng giá dịch vụ y tế, CPI của Hà Nội đã tăng tới 3,16% và làm tăng thêm 0,23% CPI của cả nước. Nếu TP.HCM, từ nay tới cuối năm, tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế, cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới CPI của cả nước. Chưa kể, những tháng cuối năm, xu hướng giá cả thị trường thường tăng cao.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, dù lạm phát năm nay ở mức 7%, hay 7,5% thì cũng đều có thể chấp nhận được. Thậm chí, đó còn được coi là ngưỡng lạm phát hợp lý để nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hợp lý.

Như vậy, sau khi được kiềm chế ở mức 6,81% trong năm ngoái, thêm một năm nữa, kinh tế vĩ mô Việt Nam được giữ ở thế ổn định một cách cơ bản. “Thế” ổn định này còn được ghi trên phương diện nhập siêu tiếp tục ở mức thấp. 8 tháng đầu năm, cả nước chỉ nhập siêu 576 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dự báo, cả năm, lượng nhập siêu của cả nước chỉ vào khoảng 2 tỷ USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu thấp sẽ không gây căng thẳng cho tỷ giá, mà giúp tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Nhập siêu thấp, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước hết là nhờ xuất khẩu đã tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm. 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012. Công đầu cho mức tăng trưởng cao là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 51,2 tỷ USD, nếu không kể dầu thô, tăng 26% so với cùng kỳ và chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu sau 8 tháng ước đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tăng mạnh là một điểm sáng của nền kinh tế. Song việc kim ngạch xuất khẩu, tính theo tháng, đã có tháng thứ 2 liên tiếp giảm so với tháng trước là điều đáng lưu tâm. Tháng 8/2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,85% so với tháng trước. Tương tự như vậy, mặt trái của nhập siêu thấp tiếp tục có thể là dấu hiệu cho thấy, sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2013 chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 5,4% của tháng 8 năm ngoái. Tính chung 8 tháng, IIP tăng 5,3% - một mức tăng khá thấp.

Nếu đứng trên góc độ doanh nghiệp, có thể nhìn vào số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8/2013 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên tới 10.700, thậm chí cả xu hướng tốc độ tăng doanh nghiệp ngừng hoạt động đã giảm dần, để mừng.

Tuy nhiên, theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kể từ tháng 4 đến nay, không chỉ tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới vẫn có xu hướng giảm so với cùng kỳ, mà quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới cùng giảm dần. Điều này cho thấy, nền kinh tế cũng như khả năng huy động vốn của nhà đầu tư còn nhiều khó khăn.

Số liệu thống kê từ cục này cho thấy, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, sau 4 tháng giảm 14,1%, 5 tháng giảm 16,3%; 6 tháng giảm 19,9%; 7 tháng giảm 17,5% và 8 tháng giảm tới 25,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp, tương ứng từ tháng 4 đến nay, lần lượt chỉ ở mức 5,18; 5,04; 4,97; 4,89 và 4,84 tỷ đồng. Quy mô doanh nghiệp thành lập mới nhỏ dần đáng kể.

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lũy kế tính đến ngày 15/8/2013, thu ngân sách chỉ ước đạt 460.960 tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán năm, tương đương cùng kỳ 2012. Điều này càng chứng tỏ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Và điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng GDP năm nay có thể chỉ ở mức 5,1 - 5,2%.

Kinh tế khó khăn, hệ thống doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nợ xấu, hàng tồn kho. Nghị quyết 02/NQ-CP đã được ban hành từ đầu năm, nhưng nếu không được triển khai một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, thì rất khó có thể kỳ vọng sự hồi phục của nền kinh tế.

Nhập siêu 576 triệu USD trong 8 tháng
Cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 576 triệu USD trong 8 tháng đầu năm. Dự kiến cả năm, con số này có thể vào khoảng 2 tỷ USD, bằng 1,6% kim...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư