Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 05 năm 2025,
Nỗi đau cây xanh
Nguyên Đức - 23/03/2015 10:55
 
Dù UBND TP. Hà Nội đã quyết định tạm dừng kế hoạch chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố, song sự bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội vẫn rất dữ dội, đòi hỏi Thành phố phải thực sự nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại kế hoạch này và có hướng giải quyết thỏa đáng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chặt cây xanh HN: PGĐ Sở Xây dựng nói gì khi phải kiểm điểm?
Đình chỉ công tác nhiều cán bộ liên quan vụ chặt cây xanh
Báo chí thế giới quan tâm đặc biệt tới việc chặt cây xanh ở Hà Nội
Nhà tài trợ: Chúng tôi không góp tiền để chặt cây xanh

Thậm chí, không chỉ là sự bức xúc, đó còn là nỗi đau với người dân Hà Nội khi ít nhất đã có khoảng 500 cây xanh bị chặt hạ, trong đó có những cây xanh cả trăm năm tuổi. Nhìn những con đường như Nguyễn Chí Thanh, từng được mệnh danh là “con đường đẹp nhất Việt Nam”, tan hoang sau khi hai hàng cây đẹp bên đường bị chặt hạ, gây nỗi đau lớn trong lòng.

Bao giờ người dân Hà Nội mới lại có được bóng mát của cây xanh?

Câu chuyện ở đây không dừng lại ở chỗ, cây xanh là lá phổi của thành phố, hay những tán lá gắn với kỷ niệm, với tâm tư, tình cảm của những người yêu Hà Nội, mà còn là chuyện tiền bạc, chuyện đầu tư, chuyện sử dụng ngân sách nhà nước.

Người dân không thể không đặt câu hỏi vì sao những hàng cây được trồng trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh cách đây 15 năm (với 381 cây bóng mát, trong đó nhiều nhất là cây hoa sữa, cây keo), theo dự án và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nay lại bị đốn hạ. Số tiền phải bỏ ra cho dự án trồng và chăm sóc những hàng cây đó là bao nhiêu?

Và đấy mới chỉ là câu chuyện ở riêng phố Nguyễn Chí Thanh. Còn gần 200 tuyến phố khác, nỗi đau và những câu hỏi đặt ra cũng tương tự. Đúng là cần thiết phải chặt hạ những cây sâu bệnh, tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ mùa mưa bão ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Song không thể  chặt đồng loạt với số lượng lớn như vậy. Không thể để mất đi những câây khỏe mạnh, không sâu bệnh.

Ở nhiều nước, muốn chặt cây xanh phải “chẩn bệnh” rất kỹ, thậm chí trước tiên phải tìm đủ mọi cách để phòng trừ, chữa bệnh. Ở TP.HCM cũng tốn kém không ít để khoan, kiểm thử cây bị sâu bệnh. Còn ở Hà Nội, chỉ một quyết định đưa ra, số phận của hàng ngàn cây xanh bị gạt bỏ không thương tiếc.

Dù thông tin chưa được lãnh đạo UBND TP. Hà Nội xác nhận trong cuộc họp báo vào cuối tuần trước, song nhiều nguồn tin cho biết, để chặt hạ, trồng thay thế, bó vỉa hè, hoàn trả vỉa hè…, ngân sách Thành phố sẽ phải chi 73 tỷ đồng. Chia đều cho 6.700 cây, mức chi cho mỗi cây cũng tới gần 11 triệu đồng. Chưa kể là nỗi đau, là sự tiếc nuối của người dân, là nỗi lo cây cũ chặt hạ và thay thế bằng cây mới, bao giờ người dân Hà Nội mới lại có được bóng mát của cây xanh?

Có quá nhiều câu hỏi cần được đặt ra và cũng đã được dư luận xã hội đặt ra xung quanh chuyện Hà Nội quyết định chặt hạ 6.700 cây xanh rất lạ lùng này. Ai thẩm định, ai chịu trách nhiệm cho kế hoạch này? Số cây xanh đã và sẽ chặt hạ, sẽ xử lý thế nào? Thế nào là cây trồng thích hợp? Ai có thể đảm bảo rằng mươi năm nữa, những cây mới trồng này lớn lên sẽ không bị đốn hạ? Lại cái vòng luẩn quẩn lặp lại và nỗi đau cây xanh thì sẽ chẳng bao giờ dứt… Thế thì quy hoạch và tầm nhìn phát triển đô thị của Hà Nội ở đâu?

Trước mắt, để yên lòng dân, Hà Nội phải trả lời đầy đủ hàng loạt câu hỏi mà người dân và báo chí đã đặt ra.

Ảnh đường phố HN trước và sau chặt hạ cây xanh

() Hàng trăm cây cổ thụ, tán rộng, rợp bóng bị chặt hạ, thay thế bởi những cây mới và những dự án đô thị, khiến phố phường thời gian này thiếu vắng màu xanh.

Hà Nội đẹp thanh lịch với những hàng cây xanh

Cùng ngắm những hàng cây tuyệt đẹp trên phố Thủ đô những ngày dư luận xôn xao về thông tin Hà Nội chuẩn bị chặt hạ 6.700 cây xanh trên gần 200 tuyến phố.

Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu dừng chặt cây xanh...

() Chủ tịch thành phố yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư