Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nỗi niềm doanh nghiệp chọn "rể" ngoại
Vũ Anh - 19/04/2013 08:58
 
Nhiều doanh nghiệp đang coi việc “bén duyên” với đối tác chiến lược nước ngoài như một yếu tố quyết định cho sự phát triển dài hạn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được bến đậu an toàn.
TIN LIÊN QUAN
Ông Nguyễn Minh Long thử bản lĩnh trong Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2013

Với tham vọng trở thành công ty đa quốc gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC) đang có nhiều động thái đáng chú ý.

Năm 2012, MPC có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Để làm được điều đó, MPC đã chào bán 30 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. CP Foods (Thái Lan) đã đàm phán và trả giá cao (50.000 đồng/cổ phần) để mua, nhưng vì nhiều lý do mà MPC từ chối.

“Chúng tôi chọn nhà đầu tư để giúp Công ty phát triển mạnh trong tương lai, tận dụng hết các cơ hội và tiềm năng, nhưng không thể bán cổ phiếu dưới giá trị thật”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT MPC nói.

Ông Quang cũng khẳng định, thời gian tới, Công ty sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn, nên việc phát hành 30 triệu cổ phiếu ở thời điểm này chưa phù hợp. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ khả năng MPC lo bị thâu tóm.

Trước đó, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP) cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là Công ty Giấy Daiso và Quỹ Đầu tư BridgeHeat (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản). 2 công ty này nắm tổng cộng 38% số lượng cổ phần khi SGP tăng thêm vốn lên 300 tỷ đồng.

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc SGP cho hay, kinh tế thế giới cũng như Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nên việc gọi vốn từ quỹ đầu tư tài chính trong và ngoài nước không dễ, nhất là khi SGP cần nguồn vốn đầu tư dài hạn vào nhà máy sản xuất. Vì vậy, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài là cần thiết và là cơ hội để Công ty tăng tốc phát triển sau này.

Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp đang coi việc “bén duyên” với đối tác chiến lược nước ngoài như là yếu tố quyết định cho sự phát triển dài hạn của mình. Tuy nhiên, không phải đối tác nào cũng trở thành bến đậu an toàn.

Hẳn nhiều người chưa quên thất bại của Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco), mà nguyên nhân chủ yếu là sự yếu kém của công ty này ngay từ cú bắt tay hợp tác với bên ngoài và lao vào hình thức góp vốn chằng chịt, dẫn tới mất kiểm soát chi phí.

Cụ thể, năm 2005, Tribeco “bén duyên” với Kinh Đô, với tỷ lệ cổ phần 35% đủ để Kinh Đô quyết định vận mệnh của Tribeco. Năm 2007, Tribeco lại đến với Tập đoàn Thực phẩm Uni – President (Đài Loan), nhưng cam kết hỗ trợ của đối tác chiến lược nhiều kỳ vọng này chưa kịp phát huy hiệu quả, thì Tribeco gây sốc cho giới đầu tư khi công bố lỗ 145 tỷ đồng trong năm 2008, vốn chủ sở hữu âm 5,32 tỷ đồng dù 3 quý đầu năm báo lãi. Sau đó, kết quả kinh doanh của Tribeco lỗ trong 12/13 quý liên tiếp. Thời gian này, rất nhiều lần, cổ phiếu công ty này nằm trong danh sách hạn chế hay tạm ngưng giao dịch để giải trình về tài chính.

Trong khi đó, cả thời gian dài sau khi M&A, Tribeco không có lấy một sản phẩm chủ lực nào để định vị tên tuổi, nếu có thì giống một bản sao mờ nhạt sản phẩm cùng loại của đối thủ Tân Hiệp Phát. Và nhiều nhãn hàng còn lại tỏ ra không mấy cạnh tranh khi không làm mới được mình.

Cổ đông lớn Uni - President (chiếm 43,56% cổ phần) còn góp phần vào vụ sa lầy của Tribeco khi tiếp tục rót vốn hỗ trợ Tribeco mở rộng mạng lưới và tăng tỷ lệ nắm giữ. Đặc biệt, bộ máy điều hành người Việt Nam tại Tribeco lần lượt được thay thế bằng các nhân sự của Uni - President.

Một trường hợp cũng gây nhiều dư luận không kém là cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) - Lotte Confectionery (Hàn Quốc) đưa ra đề nghị đổi tên Công ty thành Công ty cổ phần Lotte - Bibica. Động thái của Lotte khiến lãnh đạo Bibica thực sự sốc và đã tìm mọi cách ngăn chặn, nhưng có vẻ mọi chuyện không dễ dàng khi đối tác không muốn dừng lại.

Những vấn đề nảy sinh đầy phức tạp trên khiến các doanh nghiệp đang có ý định tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài phải đắn đo, cân nhắc. Bởi nếu không cẩn thận thì vào một ngày nào đó, toàn bộ sản nghiệp do mình nỗ lực gây dựng sẽ thuộc về tay người khác. Nhưng nếu không tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài và tự đi trên đôi chân của mình thì liệu có đi được hay không?

Đây chính là những câu hỏi hóc búa đang cần các CEO tìm ra câu trả lời tối ưu nhất. Ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Máy tính Long Nguyễn (Hải Phòng) sẽ thử đo bản lĩnh của mình qua Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2013, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình tuần này sẽ được phát sóng vào 10h sáng Chủ nhật (21/4) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (22/4).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư