Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Nuôi dưỡng niềm tin kinh doanh
Bảo Duy - 12/07/2013 12:45
 
Kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp (Vbis) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, doanh nghiệp đang cố gắng tin vào chiều hướng tốt hơn của tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm.
TIN LIÊN QUAN

Ba trụ đỡ chính cho niềm tin này, xếp hàng theo thứ tự, là cơ hội xuất khẩu gia tăng, nhiều chính sách ưu đãi thuế được áp dụng và các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tuy vậy, các trụ đỡ này vẫn chưa đủ mạnh để đẩy cảm nhận về tình hình kinh doanh 6 tháng tới của nhiều doanh nghiệp vượt khỏi ngưỡng nguy hiểm.

Doanh nghiệp đang cố gắng tin vào chiều hướng tốt hơn của
tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp khốn khó vì hàng tồn kho vẫn lên tới gần 70%, trong đó gần 28% doanh nghiệp rơi vào tình trạng tồn kho thanh toán, lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm sa sút mạnh, số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng giảm.

Đặc biệt, rất ít doanh nghiệp tin vào sự cải thiện của thị trường nội địa trong 6 tháng tới. Thị trường nông thôn vốn được coi là một cửa mở cho nhiều doanh nghiệp sản xuất nhưng cũng chỉ có chưa đầy 10% doanh nghiệp trông chờ vào thị trường này.

Trong bối cảnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư giảm xuống còn 22% so với con số 30,5% được công bố vào tháng 4/2013. Điều đó cho thấy, niềm tin vào khả năng cải thiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong nước rất yếu ớt.

Để phục hồi tăng trưởng kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế đã liên tiếp đề xuất về các giải pháp kích cầu, với kỳ vọng tháo được chốt chặn về tổng cầu của nền kinh tế. Dư địa cho chính sách này cũng đang tăng, khi rủi ro vĩ mô đã giảm đi khá nhiều so với các tháng đầu năm, nhất là lạm phát đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, trở ngại cho việc thực hiện các giải pháp kích cầu cũng không hề nhỏ, đó là nguồn lực của nền kinh tế đang rất hạn hẹp và hậu họa từ những phản ứng phụ không được kiểm soát của chính sách kích cầu, mà Việt Nam đã thực hiện vào năm 2008-2009 vẫn hiện hữu, khiến những đề xuất và quyết định chính sách trở nên dè dặt.

Cũng phải kể tới cả sự chậm trễ trong thực thi các giải pháp đã được liệt kê rất chi tiết và được đánh giá rất cao về tác động tích cực tới hoạt động của doanh nghiệp trong Nghị quyết 01 và 02. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới niềm tin vào khả năng thực thi các giải pháp mới. Ngay cả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản, dù đã được thông qua nhưng quy trình thực hiện khá rối rắm và tiến độ triển khai rất chậm.

Niềm tin kinh doanh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phục hồi hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Để lấy lại niềm tin đó, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ nhằm thực thi các giải pháp đồng bộ, bao gồm cả việc kích cầu, giải quyết hàng tồn kho, khơi thông tín dụng, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp...

Hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ vào hành động cụ thể của các cơ quan chức năng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư