Thứ Tư, Ngày 23 tháng 07 năm 2025,
Nvidia “vượt mặt” cả nền kinh tế: Sự hiểu lầm về con số 4.000 tỷ USD
Hồ Quốc Tuấn - 23/07/2025 08:39
 
Sai lầm cốt lõi trong việc so sánh vốn hóa thị trường của một cổ phiếu với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nằm ở nhầm lẫn giữa một khái niệm "lát cắt" với một khái niệm "dòng chảy".
Trung tuần tháng 7/2025, vốn hóa thị trường của Nvidia đạt tới 4.000 tỷ USD
Trung tuần tháng 7/2025, vốn hóa thị trường của Nvidia đạt tới 4.000 tỷ USD

Trong ngày giao dịch 9/7 ở Mỹ, cổ phiếu hãng chip Nvidia tăng hơn 2%, kéo vốn hóa hãng này lên 4.000 tỷ USD. Đây là công ty đầu tiên trên thế giới đạt mốc vốn hóa này. Ngay lập tức, các mạng xã hội lan truyền những so sánh kiểu như “Nvidia có giá trị lớn hơn cả GDP của Đức”, “Nvidia lớn hơn 97% các nền kinh tế toàn cầu”…

Mặc dù những so sánh này dễ gây ấn tượng, giúp tăng tương tác và thu hút sự quan tâm, nhưng khi chúng ta so sánh vốn hóa của Nvidia với GDP của các nước, thì thật ra, các bài viết đó đã hiểu sai một cách cơ bản về ý nghĩa của thước đo vốn hóa và thước đo GDP.

Vốn hóa thị trường: Khái niệm “lát cắt”

Vốn hóa thị trường (market capitalization) là tổng giá trị hiện tại của tất cả các cổ phiếu đang lưu hành của một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hiểu đơn giản, bạn lấy giá cổ phiếu ở một thời điểm nhân với tổng số cổ phiếu đang được lưu hành thì có vốn hóa.

Đây là một khác niệm có tính thời điểm, cho bạn thấy được một lát cắt ngay hiện tại về giá trị công ty. Nó không phải là thu nhập, doanh thu hay bất kỳ cái gì, mà là định giá của nhà đầu tư ngay tại một thời điểm. Nó không phải doanh thu, cũng không phải thu nhập hay lợi nhuận - những khái niệm có tính “luồng” hay “dòng chảy” (flow).

Vốn hóa thị trường là một con số “tĩnh” và có tính lát cắt, phản ánh giá trị kỳ vọng trong tương lai của một doanh nghiệp. Còn GDP là một con số “động”, phản ánh giá trị thực tế được tạo ra trong một năm.

Vì đây chỉ là một lát cắt, nó phản ánh niềm tin của nhà đầu tư về cổ phiếu hơn là nguồn thu nhập thực tế của công ty; nó có thể biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau dựa vào thay đổi của tin tức, tâm lý và niềm tin vào công ty.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là vốn hóa không liên quan nhiều đến tài sản của công ty như tiền mặt, tài sản hữu hình, tài sản vô hình hay thu nhập. Nó cũng không phản ánh là người ta thực sự bỏ 4.000 tỷ USD mua cổ phiếu tại một thời điểm. Chỉ cần cái vài chục triệu USD giao dịch, tạo ra một mặt bằng giá mới, thì tự nhiên, tất cả cổ phiếu sẽ được tính theo mức giá mới và khiến vốn hóa tăng vọt lên mấy chục tỷ USD trong một ngày, nhưng cũng có thể mất gần 100 tỷ USD trong vài ngày.

Sự “bay nhảy” trong giá trị vốn hóa là do đặc tính thời điểm và lát cắt của nó.

GDP: Khái niệm “dòng chảy”

Khác với vốn hóa, GDP là thước đo hoạt động kinh tế của một quốc gia trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là một năm. Đây là thước đo sản lượng và thu nhập được tạo ra hàng năm của người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế đó.

Chúng ta có thể coi GDP là một "dòng chảy" hoạt động kinh tế - sự tạo ra của cải mới liên tục trong một năm.

Sai lầm cốt lõi trong việc so sánh vốn hóa thị trường của một cổ phiếu với GDP nằm ở nhầm lẫn giữa một khái niệm "lát cắt" với một "dòng chảy". Nói cách khác, đây là một so sánh “cam” với “táo” thường thấy.

Vốn hóa thị trường, về cơ bản, là một con số “tĩnh” và có tính lát cắt, phản ánh giá trị kỳ vọng trong tương lai của một doanh nghiệp. Còn GDP là một con số “động”, phản ánh giá trị thực tế được tạo ra trong một năm.

Một ví dụ mà tôi thường sử dụng trong sách giáo khoa kinh tế để lý giải về hiểu lầm này cho sinh viên như sau. Hãy tưởng tượng việc bạn cố gắng so sánh giá trị thị trường của cả một vườn táo (khái niệm tương đương với vốn hóa thị trường của một công ty) tại ngày hôm nay với thu nhập từ bán táo mà một quốc gia láng giềng sản xuất chỉ trong một năm (khái niệm tương đương với GDP của một quốc gia). Rõ ràng, chúng đang đo lường những thứ khác nhau.

So sánh vốn hóa của Nvidia với GDP của một quốc gia cũng giống như so sánh giá trị thị trường của một căn nhà với thu nhập hằng năm của một nhóm người - không cùng bản chất, không cùng thời gian và không tương đương.

Thỉnh thoảng, bạn thấy người ta đưa ra các chỉ tiêu so sánh như giá trên thu nhập (P/E, hay giá nhà trên thu nhập bình quân), nhưng đó chỉ là các chỉ số cho thấy, cần bao nhiêu năm để có thể biến thu nhập có tính dòng chảy thành một “cục tiền” để mua được tài sản có mức định giá hiện tại, chứ không phải là thật sự so sánh giá trị (P) với thu nhập (E).

Nếu chúng ta không bao giờ so sánh vốn hóa của Nvidia với lợi nhuận của Microsoft vì thấy nó ngớ ngẩn, thì so sánh vốn hóa của Nvidia với GDP một quốc gia cũng mắc lỗi tư duy tương tự.

Một sự so sánh hợp lý hơn là so sánh giữa lợi nhuận và doanh thu của Nvidia với GDP của một quốc gia, vì chúng đều cùng là khái niệm “dòng chảy”. Doanh thu của Nvidia trong năm tài khóa gần nhất chỉ hơn 130 tỷ USD, dù đã tăng hơn 100% so với năm trước đó. Nó khiêm tốn hơn nhiều so với con số 4.000 tỷ USD. Nếu lấy số liệu lợi nhuận thì còn khiêm tốn hơn nữa, chỉ gần 73 tỷ USD. Như vậy, còn lâu nó mới lớn hơn GDP của Đức (hơn 4.000 tỷ USD).

Lời kết

Hy vọng, qua thảo luận trên, chúng ta hiểu rõ hơn về sự lệch pha khi so sánh vốn hóa của một công ty với GDP một quốc gia. Khi ai đó nói: “Nvidia giờ lớn hơn cả nước Đức”, thì hãy nhớ rằng, đó là một thủ thuật giật tít “câu view”, chứ không phải là một phép so sánh có cơ sở kinh tế hợp lý.

Mặc dù có những hiểu lầm như vậy, nhưng cũng cần nhìn nhận, những bài viết trên mạng xã hội hay bài báo đó phản ánh sức mạnh và sự giàu có do đổi mới và sáng tạo mang lại cho một công ty và sự hào hứng của xã hội dành cho các công ty đó.

Thực tế, việc các công ty như Nvidia, Apple, Microsoft đạt được mức vốn hóa thị trường khổng lồ thực sự cho thấy ảnh hưởng to lớn, sức mạnh đổi mới và sự giàu có đáng kể mà họ tạo ra cho các cổ đông của mình. Và có nhiều bài học mà chúng ta có thể học được từ đổi mới sáng tạo cũng như việc tìm cách thống trị, một cách nào đó là gần như độc quyền nhóm, đối với những hoạt động kinh doanh có tính chiến lược của một quốc gia hay toàn cầu.

Mặc dù các so sánh với GDP quốc gia là sai lệch, nhưng chúng cũng nhấn mạnh sự tập trung của cải và quyền lực trong một vài tập đoàn đa quốc gia thành công cao. Điều này có cả thuận lợi lẫn rủi ro. Một bước đi chệch hướng của các công ty này có thể gây ra rủi ro hệ thống cho cả thị trường chứng khoán lẫn nền kinh tế, buộc các chính phủ phải lựa chọn việc có giải cứu những con “khủng long” ngàn tỷ USD này hay không.

Fintech Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình NVIDIA Inception
Finhay trở thành thành viên của NVIDIA Inception - mạng lưới toàn cầu hỗ trợ các startup công nghệ do tập đoàn NVIDIA khởi xướng. Đây cũng là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư