Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ông chủ Ladoda và câu chuyện khởi nghiệp thành công ở tuổi về hưu
Anh Tú (ANTĐ) - 02/10/2016 08:29
 
Về hưu, dồn toàn bộ vốn liếng khôi phục nghề truyền thống, gây dựng thành công thương hiệu Ladoda với cả trăm đại lý trên cả nước. Đó là câu chuyện về vị doanh nhân 80 thuổi - Đinh Quang Bào, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại sản phẩm Da (Công ty TNHH Ladoda), Chủ tịch Hội Da giầy TP Hà Nội.
Ông Đinh Quang Bào được Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2016”
Ông Đinh Quang Bào được Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2016”

Trăn trở nghề truyền thống

Tiếp chúng tôi trong văn phòng khang trang ngay tại nơi đặt nhà máy sản xuất, vị doanh nhân bồi hồi lần giở từng trang của cuộc đời mình. Không giấu sự xúc động, ông Bào kể về tuổi thơ nhiều mất mát: “Năm 12 tuổi tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống hết sức khó khăn. Đó cũng là lúc tôi ra Hà Nội bắt đầu học nghề may da và kiếm những đồng tiền đầu tiên tại cửa hàng may da Hồng Phát. Nhưng tôi chỉ làm được vài năm sau thì ông chủ quyết định giải thể cơ sở”.

Cuộc đời ông Bào vì thế rẽ sang một hướng khác. Sau khi được bà con ở phố Hàng Điếu bầu làm Trưởng ban đại biểu thanh niên, chàng trai trẻ Đinh Quang Bào đã xây dựng được tổ may quân nhu rồi tiến dần lên mô hình hợp tác xã. Đến năm 1963, ông chuyển vào làm Nhà nước, rồi trở thành cán bộ cốt cán trong ngành tiểu thủ công nghiệp Hà Nội. 

Gắn bó với cơ quan cho tới lúc nghỉ hưu nhưng trong ông luôn thôi thúc, mong muốn vực lại nghề may da cũng là nghề truyền thống của quê hương Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), để tạo công ăn việc làm cho người dân quê mình. Đến năm 1992, có thêm sự động viên của bạn bè ông quyết định thành lập doanh nghiệp, thương hiệu Ladoda ra đời từ đó. 

Nhớ lại những ngày đầu đầy khó khăn, ông Bào chia sẻ: “Lúc đầu công ty chỉ có 5-6 người làm việc trong căn nhà 30m2 ở phố Phủ Doãn. Diện tích nhỏ hẹp nên phải căng bạt, mang cả máy sang vỉa hè làm việc. Tối về hàng chất kín cả nhà, thừa chỗ nào mới lăn ra ngủ”.

“Tuy nhiên, với quan điểm làm thật tốt, giữ uy tín, chất lượng nên người dân Thủ đô tìm đến rất đông, hàng bán chạy như tôm tươi. Bằng tâm huyết cũng như sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vài năm sau tôi đã đủ vốn để mua lại 2.500m2 nhà xưởng của Hợp tác xã may da Thành Công bị giải thể. Trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng thương hiệu Ladoda cũng đạt được những thành công”, ông Bào kể. 

Thương hiệu Ladoda không chỉ được người tiêu dùng trong nước yêu mến mà đã từng bước chinh phục cả thị trường quốc tế. Sản phẩm của công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 từ năm 2001 và 20 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”... Trong nhiều năm qua, sản phẩm của công ty cũng vinh dự được phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc hội, các hội nghị, hội thảo quốc tế như ASEM5, AIPO, AIPA và hội nghị ASEAN 17. 

Chu đáo với người lao động

Tâm niệm một phần thành công của Ladoda là do người lao động mang lại nên ông Bào luôn cố gắng chăm lo cho đời sống những công nhân làm việc trong công ty. Với gần 400 lao động, nhưng ông yêu cầu tiền lương không bao giờ được chậm, được thiếu. Mức lương bình quân của công nhân luôn trên 6 triệu đồng/người/tháng. 

Ngoài các chế độ theo quy định, Ladoda còn dành nhiều sự quan tâm tới người lao động như xây dựng cơ chế khen thưởng, động viên tăng năng suất. Những công nhân gắn bó với công ty còn có tiền thâm niên với mức cao nhất lên tới 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, lao động nữ được ưu ái trả lương cao hơn 5% so với nam giới cùng cấp bậc. 

Không chỉ xây nhà ở miễn phí cho công nhân, ông Bào còn lập tổ sản xuất thực phẩm để cung cấp thực phẩm sạch cho người lao động. Rồi khi gia đình công nhân có việc hiếu hỉ, ông cũng tận tình chu đáo bằng cả tình cảm cũng như hỗ trợ về vật chất.

Hiểu tâm lý người lao động, không có nhiều thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí nên ông cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị mời các đoàn nghệ thuật về biểu diễn ngay tại hội trường văn hóa của công ty.... 

Với 24 năm từ ngày thành lập, công ty đã tổ chức hàng chục khóa học, qua đó đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động, từ đó có những người gắn bó với công ty và cũng có những người đã thành lập được công ty riêng.

Không chỉ đóng góp cho xã hội bằng cách tạo công ăn việc làm cho người lao động, hàng năm ông Bào còn quyết định trích từ 300 đến 500 triệu đồng để tham gia các hoạt động tình nghĩa. 

Với những đóng góp trên, cá nhân ông Đinh Quang Bào đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, từ năm 2013 đến 2015 được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội, Chiến sỹ thi đua cấp thành phố năm 2015.

Công ty Ladoda được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011, Cờ thi đua xuất sắc thành phố năm 2013; Bằng khen của Chính phủ năm 2014;  Bằng khen của thành phố 2015.

Câu chuyện khởi nghiệp: Tái khởi nghiệp ở tuổi 50
Nếu an phận với doanh nghiệp cũ, tôi sẽ chẳng phải đánh đổi nhiều thứ từ công sức, tiền bạc... để khởi nghiệp lần nữa ở tuổi 50 với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư