Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 05 năm 2025,
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nền tảng để giữ gìn bản sắc chính là sự gắn bó cảm xúc
Dương Ngân - 03/05/2025 09:26
 
Nửa thế kỷ sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã trải qua những chuyển biến sâu rộng, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội.

Trong hành trình hội nhập và phát triển ấy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - người có nhiều năm nghiên cứu và cống hiến trong lĩnh vực văn hóa, trao đổi về khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể về mọi mặt. Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về sự chuyển biến này?

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, tôi không khỏi xúc động. Nửa thế kỷ là khoảng thời gian tưởng như dài, nhưng vụt trôi như cái chớp mắt nếu đặt trong dòng chảy ngàn đời của dân tộc. Trong khoảng thời gian ấy, đất nước ta đã vươn mình từ tro tàn của chiến tranh, từ những mái nhà đổ nát, cánh đồng cằn khô, những giọt nước mắt chia ly, để hôm nay rạng rỡ hiện lên một Việt Nam mạnh mẽ, tự tin, chan chứa khát vọng hòa bình và thịnh vượng.

Thay đổi lớn nhất, tôi nghĩ, không chỉ là những đường cao tốc xuyên qua núi rừng, những thành phố mới mọc lên sầm uất, những tòa cao ốc chọc trời, hay những khu công nghiệp trải dài khắp Bắc - Trung - Nam. Điều làm tôi xúc động sâu sắc hơn cả là sự thay đổi trong tâm thế của người Việt Nam.

Từ một dân tộc chịu thương chịu khó, quật cường trong gian khó, chúng ta bước ra thế giới với tâm thế làm chủ, sáng tạo, hội nhập và vươn cao. Từng nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân… không còn sống trong tâm thế “làm đủ ăn”, mà dám nghĩ lớn, dám khởi nghiệp, dám đua tài cùng bè bạn năm châu.

Tôi thấy rõ một đời sống xã hội ngày càng năng động, dân chủ và nhân văn hơn. Giấc mơ về một xã hội công bằng, văn minh, hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc không còn là điều xa vời. Văn hóa dân tộc được giữ gìn và lan tỏa, cùng lúc với việc tiếp thu tinh hoa nhân loại một cách tự tin, bản lĩnh. Từ một đất nước từng là hình ảnh của chiến tranh, Việt Nam giờ đây là biểu tượng của hòa bình, hợp tác, đổi mới và phát triển bền vững.

Và hơn nữa, tôi đặc biệt xúc động khi nghĩ đến lớp trẻ hôm nay - những người sinh ra trong hòa bình, lớn lên cùng Internet, học tập qua nền tảng số, đi xa nhưng không lạc cội, thành đạt nhưng không quên quê hương. Đó chính là “hoa trái” đẹp nhất sau 50 năm thống nhất. Chúng ta đã gieo bằng máu, bằng nước mắt, bằng ý chí, lòng yêu nước bất khuất và hôm nay, chúng ta được quyền tự hào vì đã có thể gặt hái bằng nụ cười, bằng sự đoàn kết, sáng tạo và lòng nhân ái.

50 năm - chặng đường không hề dễ dàng, nhưng là một minh chứng kỳ diệu cho sức sống của một dân tộc biết vượt qua đau thương để sống đẹp, sống có ích và sống cho ngày mai. Khi ngoảnh lại, tôi và tất cả chúng ta - tôi nghĩ vậy - chỉ có thể nói: cảm ơn Tổ quốc, cảm ơn Nhân dân, cảm ơn thời đại đã cho chúng ta được sống trong hành trình diệu kỳ mang tên Việt Nam.

Yếu tố nào đã góp phần quan trọng vào những tiến bộ rõ nét của xã hội Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, thưa ông?

Những tiến bộ rõ nét trong xã hội Việt Nam suốt 50 năm qua không phải là điều ngẫu nhiên. Đó là kết tinh của nhiều yếu tố, những giá trị được hun đúc từ chiều sâu lịch sử, từ trí tuệ của Đảng ta, từ lòng yêu nước của Nhân dân và từ khát vọng không bao giờ tắt của cả một dân tộc muốn “thoát nghèo, thoát khổ, thoát lệ thuộc” để tự khẳng định mình trong kỷ nguyên mới.

Yếu tố đầu tiên, theo tôi, chính là sự lãnh đạo sáng suốt và kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ việc xác định con đường Đổi mới vào năm 1986 - một quyết định mang tính lịch sử cho đến những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm nhìn dài hạn - Đảng ta luôn là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc. Chính nhờ sự chủ động trong hoạch định chính sách, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mà chúng ta đã từng bước vượt qua bao thách thức cam go, từ cấm vận kinh tế, khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho đến đại dịch Covid-19.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần kiên cường, bền bỉ và sáng tạo của người dân Việt Nam. Trong mọi hoàn cảnh, dù là khi “đói ăn rau, thiếu ăn sắn”, hay khi phải thích nghi với nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh, người Việt Nam luôn biết tìm ra lối đi riêng, xoay xở, đổi mới và vươn lên. Từ đôi bàn tay trắng, chúng ta đã gây dựng nên những doanh nghiệp lớn, những khu công nghệ cao, những công trình mang dấu ấn thế kỷ. Chính sức mạnh nội sinh được khơi dậy và phát huy đúng lúc ấy đã trở thành nền tảng vững chắc cho mọi bước tiến của đất nước.

Một nhân tố quan trọng không kém, đó là sự đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, y tế, văn hóa và phúc lợi xã hội. Chúng ta không chỉ nói đến tăng trưởng GDP, mà đã và đang nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng hơn, tử tế hơn, nhân văn hơn. Từ việc phổ cập giáo dục tới vùng sâu, vùng xa, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đến các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người yếu thế…, tất cả đều thể hiện một tinh thần phát triển “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó chính là điều làm nên bản sắc riêng của mô hình phát triển Việt Nam: vừa tăng trưởng, vừa sẻ chia.

Không thể không kể đến yếu tố hội nhập quốc tế. 50 năm qua là hành trình chúng ta bước ra thế giới bằng đôi chân vững chãi, bằng bản lĩnh dân tộc và sự linh hoạt trong đối ngoại. Nhờ đó, Việt Nam từ một quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá, giờ đã trở thành đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là điểm đến hấp dẫn của đầu tư, là hình mẫu trong nhiều lĩnh vực như giữ gìn hòa bình, xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã đối diện với nhiều thách thức và cơ hội từ toàn cầu hóa. Ông có thể chia sẻ về khả năng thích ứng và phát triển của xã hội Việt Nam trong bối cảnh này?

Nếu có một hình ảnh nào để diễn tả khả năng thích ứng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thì đó chính là hình ảnh của một con thuyền nhỏ nhưng đầy bản lĩnh, vừa giữ chắc tay lái truyền thống, vừa mở rộng cánh buồm đón những làn gió đổi thay từ bốn phương.

Toàn cầu hóa là một hành trình không bằng phẳng, mang đến cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức gay gắt về cạnh tranh, về bản sắc, về khả năng làm chủ công nghệ, tri thức và thị trường. Thế nhưng, nhìn vào Việt Nam hôm nay, tôi thấy một xã hội đang thích nghi một cách nhanh nhạy, linh hoạt và quan trọng nhất là đầy khát vọng.

Chúng ta đã bước qua được ranh giới của một nền kinh tế đóng cửa để vươn mình trở thành một trong những điểm đến năng động nhất khu vực. Từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến việc tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã chứng minh năng lực hội nhập không thua kém bất kỳ quốc gia nào có cùng xuất phát điểm.

Khả năng thích ứng ấy, trước hết, đến từ con người Việt Nam, những người luôn có tinh thần cầu thị, học hỏi và không ngừng vươn lên. Tôi đã gặp những bạn trẻ khởi nghiệp, những nông dân học cách livestream bán nông sản ra thế giới, những nghệ sỹ đưa nhạc dân tộc lên nền tảng quốc tế và cả những doanh nghiệp “made in Vietnam” từng bước tạo dấu ấn trên thị trường toàn cầu. Đó là những minh chứng sống động cho sức bật của một xã hội đang tự đổi mới chính mình.

Song song đó, sự phát triển của hạ tầng công nghệ, của chuyển đổi số, của giáo dục - đào tạo cũng là nền tảng vững chắc giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay trí tuệ nhân tạo (AI) không phải là điều gì đó xa vời, mà là cơ hội để chúng ta hiện thực hóa ước mơ về một nền kinh tế tri thức, một xã hội văn minh và hiện đại.

Trong 50 năm tới, tôi hy vọng, Việt Nam sẽ không chỉ là người tham gia, mà là người dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cao đến văn hóa sáng tạo. Điều đó không phải là mơ hồ, mà hoàn toàn có thể đạt được, nếu chúng ta tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi, duy trì sự sáng tạo không ngừng và giữ vững tấm lòng yêu nước, hướng về tương lai.

Nhìn về tương lai, trong 50 năm tới, ông hình dung xã hội Việt Nam sẽ ra sao, đặc biệt trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giữa dòng chảy hội nhập toàn cầu?

Tôi nghĩ rằng, 50 năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến một Việt Nam mạnh mẽ, tự chủ, phát triển hài hòa giữa công nghệ hiện đại và bản sắc văn hóa dân tộc. Một đất nước không chỉ tự tin hội nhập, mà còn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, tạo dựng được những thương hiệu văn hóa toàn cầu, từ nghệ thuật, âm nhạc, cho đến ẩm thực, thiết kế và thời trang.

Việt Nam sẽ trở thành một điểm sáng về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa đổi mới sáng tạo và giữ gìn di sản văn hóa. Khi ấy, văn hóa sẽ không chỉ sống trong bảo tàng, mà hiện diện trong từng sản phẩm, trong từng giá trị thương hiệu, trong cách sống và làm việc của người Việt.

Hơn thế nữa, tôi kỳ vọng vào một xã hội hạnh phúc, nơi mà mọi người đều có cơ hội để phát triển bản thân và quan trọng nhất là nơi con người được sống tử tế, được sáng tạo và được yêu thương. Tương lai này không phải là điều gì quá xa vời, mà là một đích đến trong tầm tay. Và tôi tin rằng, thế hệ trẻ hôm nay, với khát vọng và tài năng của mình, sẽ là những người viết nên câu chuyện ấy.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, vai trò của thế hệ trẻ ngày nay vô cùng quan trọng. Ông nghĩ sao về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong tương lai?

Tôi tin rằng, trong hành trình bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không ai đứng ngoài cuộc. Mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đều là những “người giữ lửa” cho hồn Việt trong thời đại mới. Văn hóa không phải là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa hay chỉ là ký ức của thế hệ trước. Văn hóa tồn tại và phát triển nhờ vào sự kế thừa, tái tạo và sự sống động của nó trong từng nhịp thở của xã hội hiện đại.

Với thế hệ trẻ, những người sẽ sống trong một Việt Nam hiện đại, hòa nhập sâu rộng vào thế giới số và toàn cầu, thì vai trò của họ càng trở nên quan trọng. Họ không chỉ là “người học lại” quá khứ, mà còn là “người kiến tạo” văn hóa mới - một bản sắc mang đậm tinh thần Việt nhưng được thể hiện qua ngôn ngữ, công nghệ và sáng tạo của thời đại 4.0.

Tôi mong rằng, thế hệ trẻ hãy là những người hiểu và yêu văn hóa dân tộc mình. Không yêu, không thể giữ gìn. Không hiểu, không thể phát huy. Điều đó không chỉ dừng lại ở việc thuộc lòng ca dao, hay mặc áo dài trong những dịp lễ tết, mà là sự tự hào khi kể về Truyện Kiều với bạn bè quốc tế, biết rung động trước một điệu ví dặm, trân trọng một bức tranh Đông Hồ hay một phiên chợ quê xứ Nghệ. Đó chính là nền tảng của bản sắc: sự gắn bó cảm xúc.

Tuy nhiên, yêu văn hóa thôi là chưa đủ. Tôi hy vọng, các bạn trẻ sẽ sáng tạo lại văn hóa bằng chính nhịp sống và cảm hứng của mình. Hãy viết lại các câu chuyện cổ tích qua ngôn ngữ rap. Hãy mang văn hóa Việt lên TikTok với những video sáng tạo. Hãy khởi nghiệp từ những làng nghề truyền thống, di sản hay lễ hội dân gian…

Hy vọng rằng, thế hệ trẻ sẽ là những người tiêu dùng văn hóa có trách nhiệm. Trong một thế giới ngập tràn thông tin và giải trí, sự lựa chọn của các bạn khi đọc, xem, nghe hay chia sẻ sẽ là cách các bạn “bỏ phiếu” cho những giá trị văn hóa. Hãy “bấm like” cho những sản phẩm mang tinh thần Việt, lan tỏa những nội dung đậm bản sắc và ủng hộ các nghệ sỹ, nhà sáng tạo chân chính. Khi người trẻ tiếp lửa cho văn hóa, dân tộc không chỉ trường tồn, mà còn hưng thịnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư