Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Phát huy giá trị phố cổ Hội An: Chính sách minh bạch, không để dân chịu thiệt
Nguyễn Lê - 17/12/2022 16:09
 
Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chia sẻ kinh nghiệm phát huy giá trị của di sản này.
.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Chiều 17/12, trong ít phút tham luận tại Hội thảo Văn hóa 2022 diễn ra tại Bắc Ninh, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã chia sẻ kinh nghiệm phát huy giá trị của di sản này.

Từ các khu phố cổ già nua không ai biết đến, phố cổ Hội An dần được nhận diện giá trị và các quy định được ban hành để bảo tồn, ông Ngọc nhấn mạnh rằng tính pháp lý rất quan trọng.

Phố cổ Hội An được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, khi đó cả thành phố xuống đường ăn mừng, ông Ngọc chia sẻ.

Bài học kinh nghiệm từ hành trình đó, ông Ngọc nhấn mạnh việc ban hành chính sách luôn minh bạch, dân chủ, công bằng, không để người dân phải chịu thiệt trong mọi chính sách.

Tuy nhiên, được đánh giá với ý nghĩa như một bảo tàng sống “bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị, song theo ông Ngọc thì Hội an đang gặp nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bởi, nơi đây có hơn 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật chủ yếu trong khu vực I (khu vực bảo vệ nguyên trạng) như đình, chùa, hội quán, cầu, nhà ở, nhà thờ tộc, giếng,… trong đó nhà ở là loại hình chiếm số lượng lớn nhất. Sự phân bố của các loại hình di tích này không tách biệt từng khu vực mà bố trí xen kẽ nhau, không chỉ tạo nên sự hài hòa về kiến trúc tổng thể của Khu phố cổ mà còn phản ánh nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa trong đời sống cộng đồng dân cư.

Với đặc thù này, trong Khu phố cổ không chỉ có các quy định về lĩnh vực bảo tồn di sản, mà còn chịu sự điều tiết của rất nhiều quy định pháp luật khác của một địa phương trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước.

Với các chính sách, giải pháp khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu phố cổ, Nếu trong năm 2000, Hội An có 192.420 lượt khách đến thì đến năm 2019 con số này là 5.699.960 lượt khách, tạo nguồn ngân sách quan trọng để tái đầu tư cho công tác trùng tu di tích, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện phát huy và chi cho công tác quản lý.

Đặc biệt, trong số các điểm tham quan có hơn ½ điểm tham quan thuộc sở hữu tư nhân - tập thể là đình, hội quán, nhà cổ, nhà thờ tộc và các điểm này cũng được trích lại % trên giá vé tham quan. Việc phục hồi các di sản có nguy cơ mai một cũng được quan tâm mà thành công nhất là nghệ thuật hô hát bài chòi. Từ nguy cơ thất truyền, nghệ thuật này nay đã được hồi sinh, đi vào công chúng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách hằng đêm tại khu phố cổ.

Bên cạnh đó, trong những năm qua hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo: “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ xe máy”, các khu Chợ đêm, dịch vụ ghe bơi trên sông được xây dựng khẳng định thương hiệu. Nhiều sự kiện văn hóa quốc gia và quốc tế cũng được tổ chức như: Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế; các sự kiện quốc gia và quốc tế như các cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái Đất; hội nghị Apec; nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, lưu diễn nghệ thuật giữa Hội An với các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc..., trong đó sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” đã bước sang năm thứ 18.         

Nhìn nhân bất cập, ông Ngọc cho rằng những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư, khách du lịch trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong Khu phố cổ và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ - du lịch đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa.

Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An nhấn mạnh,hiện nay Hội An là một điểm đến du lịch di sản văn hoá quan trọng của Việt Nam và vươn tầm ra cả thế giới nên cần cơ những cơ chế, kinh phí đầu tư xứng tầm như: trùng tu tôn tạo các di tích, các thiết chế văn hoá, Bảo tàng, khu vui chơi giải trí, hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông; 

Hiện nay UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch quản lý và ban hành Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Hội An nhưng nguồn lực triển khai là rất lớn nên cần có kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam, ông Ngọc kiến nghị.

Ông Ngọc cũng cho biết Quảng Nam đã đăng ký với văn phòng Chính phủ làm việc về nội dung đề nghị Chính phủ ban hành: Cơ chế đặc thù cho Bảo tồn phát huy Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An.

Hội An cũng đề xuất nghiên cứu mô hình đô thị di sản đầu tiên của Việt Nam (di sản thế giới) để có thể áp dụng cho Hội An với các cơ chế, chính sách thí điểm, riêng biệt tiến tới quản lý đô thị di sản thông minh

Đề nghị Quốc hội tiếp tục duy trì nghị quyết phân bổ tiêu chí bổ sung cho khu di sản thế giới Hội An 15 tỷ/năm (hoặc lớn hơn) trong các năm tiếp theo trong tình hình nguồn thu vé tham quan còn khó khăn như hiện nay - ông Ngọc kiến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư