Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Phát huy truyền thống Cố đô, xây dựng Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững
Liên Phương - 18/04/2024 09:57
 
Tối 17/4 (mùng 9/3 âm lịch), tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: Thân thế và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế luôn gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khai sinh quốc hiệu Đại Cồ Việt, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc, dựa trên bản lĩnh độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng độc lập, thống nhất, xây dựng quốc gia hùng cường của Đinh Tiên Hoàng Đế gắn với quốc hiệu Đại Cồ Việt, với vai trò, vị thế của Kinh đô Hoa Lư đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc ta, nhân dân ta.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu diễn văn khai mạc. Ảnh Quỳnh Trang

Tri ân công đức của ông, nhân dân và thể chế nhà nước các thời kỳ đã lập đền thờ tại khu vực cung điện xưa, hằng năm tổ chức Lễ hội Hoa Lư - lễ hội lớn, được tổ chức như Lễ trọng. Cho đến nay vẫn là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, đặc sắc riêng có của người dân Cố đô Ninh Bình, là điểm hẹn của nhân dân và du khách trong nước, quốc tế, nơi bày tỏ lòng tôn kính với các bậc tiên đế, các anh hùng hào kiệt đã có công dựng nước, giữ nước và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2014.

Tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Hoa Lư như gìn giữ hồn cốt linh thiêng của Cố đô ngàn năm, để sự nghiệp vĩ đại của đức Đinh Tiên Hoàng Đế luôn sống mãi với thời gian và non sông đất Việt.

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã luôn đoàn kết, phát huy truyền thống hào hùng của cha ông và tiềm năng, lợi thế, nhất là giá trị truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khởi trống khai hội. Ảnh Báo Ninh Bình

Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 90% GRDP. Từ năm 2022 đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố của cả nước; các chỉ số về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính… đều xếp trong nhóm 15 địa phương cao nhất.

Thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "Xanh, Bền vững và Hài Hòa", dựa trên các giá trị nổi trội, độc đáo, đặc sắc riêng có về văn hóa - lịch sử, tự nhiên - sinh thái; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với xây dựng đô thị di sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, đổi mới sáng tạo. Hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực, trụ cột là công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị; đã cơ bản đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới.

Du lịch và dịch vụ phát triển mãnh mẽ, Ninh Bình luôn trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu thế giới, nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.

Lễ kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024, được tổ chức với các chương trình nghệ thuật đặc sắc. Ảnh Quỳnh Trang

Tỉnh Ninh Bình tiếp tục kiên định, tập trung cao thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết tâm phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; xứng tầm với vị thế, tầm vóc lịch sử, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh, mắt xích trọng yếu kết nối giữa vùng Bắc Trung Bộ với vùng đồng bằng sông Hồng, giữa vùng Tây Bắc với phía Nam hành lang kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.

Lễ kỷ niệm còn có chương trình nghệ thuật đặc sắc 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024 với chủ đề "Sứ mệnh Đế Đô", gồm 2 phần: Chương I: Thống nhất giang sơn, mở xưng Hoàng Đế, phục hưng dân tộc; Chương II: Ninh Bình ngày mới-Dòng chảy non sông. Ngay sau chương trình kỷ niệm là màn bắn pháo hoa tầm thấp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư