Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ: Cốt lõi là thể chế, cơ chế điều phối vùng
Hà Nguyễn - Kỳ Thành - 26/06/2019 10:17
 
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nhưng thể chế, cơ chế điều phối vùng, liên kết vùng chính là mấu chốt để thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Điểm yếu liên kết vùng

Dù khẳng định Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã phát triển rất tích cực thời gian qua, song khi phát biểu khai mạc Hội nghị Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, diễn ra hôm qua (25/6) tại Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, toàn vùng vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực mới cho sự phát triển; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn vùng còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra là sự kiên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; cơ chế, chính sách phát triển vùng còn nhiều bất cập, thiếu tính đột phá, chưa giải quyết được các vấn đề phát triển chung của vùng, nhất là về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cũng nhấn mạnh 7 tồn tại, hạn chế trong liên kết vùng, trong đó có việc quy hoạch không gian phát triển vùng chỉ được hình thành thụ động, chưa rõ nét định hướng…

Còn GS. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, ông không nghĩ cả một vùng kinh tế trọng điểm chỉ có 7 tỉnh, thành phố. Và hơn hết, nếu nói về thu hút đầu tư, thì không có “vóc dáng gì” của vùng trong các dự án đầu tư, đặc biệt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Địa phương nào cũng có khu công nghiệp, mà khu nào cũng na ná nhau, nên đề nghị sắp tới trong thu hút đầu tư phải có sự phân công, hợp tác giữa các địa phương, có các khu công nghiệp chuyên biệt để không còn có sự trùng lắp nữa, mà hình thành theo chuỗi cung ứng, như vậy mới hiệu quả”, GS. Nguyễn Mại nói.

Mấu chốt là thể chế, điều phối liên kết vùng

Vướng ở đâu thì giải quyết ở đó. Bởi thế, ngay từ khi Hội nghị mới bắt đầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc cần phải tập trung thảo luận về vấn đề đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng. “Đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta đang loay hoay, chưa thực hiện hiệu quả. Tôi đề nghị quý vị hiến kế làm thế nào, cần có cơ chế gì để giải quyết bài toán điều phối vùng hiệu quả, nhất là những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng”, Thủ tướng nói.

Đáp lời Thủ tướng, phát biểu ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề cập hàng loạt giải pháp cần thực hiện để đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển đột phá của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển của Vùng, quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, phát triển từng tỉnh thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò “đầu tàu”, “hạt nhân” của Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ trở thành đầu tàu quan trọng của phát triển kinh tế quốc gia, trong vùng phải xác định rõ chuyện liên kết, chuyên môn hóa giữa các địa phương. “7 tỉnh phải ngồi lại với nhau để đàm phán, xem tỉnh nào tập trung phát triển lĩnh vực gì. Đồng thời, cần khẩn trương lập và phê duyệt quy hoạch tích hợp đa ngành, nếu chậm thì sẽ mất cơ hội”, ông Tuấn nói.

Đóng vai trò dẫn dắt Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, TP. Hà Nội rất quan tâm đến thúc đẩy liên kết vùng. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị sớm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ các nội dung quy hoạch trong tổng thể phát triển của vùng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh việc cần hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông, bởi đó là yếu tố quan trọng để Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trở thành vùng kinh tế phát triển nhất cả nước.

Các đề xuất ban đầu của các địa phương, các chuyên gia đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận. Thủ tướng khẳng định, quan điểm nhất quán của Chính phủ là sẽ thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là vấn đề thể chế, cơ chế liên kết vùng để Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hội tủ đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"
Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước, có hạ tầng giao thông hiện đại và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư