Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phí bảo hiểm tín dụng biến động trong biên độ hẹp
Bảo Ngọc (CTCK VPBS) - 10/08/2015 19:25
 
Trong nửa năm 2015, phí bảo hiểm tín dụng (CDS) của 4 thị trường mới nổi ở khu vực Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines biến động trong biên độ hẹp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ giảm điểm đã không còn mạnh như năm trước, đặc biệt có xu hướng tăng dần trong tháng 6.
Nguồn: Bloomberg
Nguồn: Bloomberg

CDS đo lường khả năng sinh lời (không bao gồm chi phí đầu tư) mà nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu đối với việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ của một quốc gia khác. Phí CDS không chỉ bị tác động bởi những sự kiện gói gọn trong một quốc gia, mà còn bởi các sự kiện quốc tế, có tác động ít hoặc nhiều tới các khoản đầu tư trên.

Tính trung bình theo quý, phí CDS của Việt Nam là 190,95 điểm cơ bản trong quý II (một điểm cơ bản bằng 1/100 của 1%). Mức phí trung bình theo quý của Việt Nam giảm liên tục kể từ đầu năm 2014, nhưng đã giảm chậm lại so với các quý khác trước đó. Phí CDS của Philippines cũng có chung xu hướng giảm, đạt 88,80 điểm cơ bản, giảm 1,99 điểm cơ bản so với mức điểm trung bình quý cuối năm 2014. Tuy nhiên, phí bảo hiểm tín dụng của Thái Lan và Indonesia lại tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm so với trung bình điểm cuối năm ngoái, cho thấy mức độ rủi ro cao hơn.

Giai đoạn nửa năm nay, thế giới đã chứng kiến những thay đổi về địa chính trị và kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên các quốc gia mới nổi ở khu vực ASEAN. Nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ - thường xuyên có tác động tới phí bảo hiểm rủi ro tín dụng của các quốc gia khác. Chẳng hạn, đồng USD mạnh lên trong đầu năm 2015 thu hút lượng lớn đầu tư quay lại Mỹ, khiến nhu cầu về lợi suất sinh lời cao hơn đối với các khoản đầu tư tại các quốc gia mới nổi, đồng thời đẩy CDS của các quốc gia ASEAN tăng cao.

Nền kinh tế Mỹ ấm dần lên trong tháng 1 hỗ trợ đồng bạc xanh tăng giá so với các loại tiền tệ khác. Theo Bloomberg, tỷ giá USD/EUR đạt đỉnh trong 4 năm ở mức giá 1 USD giao dịch bằng 0,8923 EUR vào ngày 23/1/2015. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 1 giảm xuống mức 5,7%, mặc dù tăng 0,1% so với tháng 12/2014, nhưng là ngưỡng thấp kể từ năm 2010.

Đồng thời, các chuyên gia kinh tế đều có cái nhìn tích cực vào khả năng vượt trội của thị trường Mỹ so với các nền kinh tế chủ chốt khác, trong khi thị trường châu Âu, Nhật Bản tiếp tục sụt giảm. Điều đó càng làm tăng những đồn đoán về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Phí CDS của các thị trường mới nổi, trước những áp lực trên, tăng lên những ngưỡng cao trong thời điểm cuối tháng 1. CDS của Việt Nam đạt 210 điểm cơ bản vào ngày 19/1, ngưỡng cao nhất trong 3 tháng liền kề trước đó. CDS của Thái Lan và Indonesia đạt tương ứng 119 và 173 điểm cơ bản trong cùng ngày 20/1, cao hơn mức phí trung bình năm 2014, tương ứng 8 và 10 điểm cơ bản. 

Bên cạnh đó, qua các cuộc họp của Fed trong quý đầu năm 2015, cơ quan này vẫn chưa chắc chắn về thời hạn tăng lãi suất cơ bản và mức tăng là bao nhiêu. Trong cuộc họp ngày 25/2, bà Yellen đã chỉ ra rằng, lãi suất sẽ không tăng trong “ít nhất vài cuộc họp tới”. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo sẽ tăng lãi suất sớm nhất vào giữa năm 2015. CDS của 4 nước đều giảm dần và chạm đáy vào thời điểm cuối tháng 2, sau phiên điều trần của Chủ tịch Fed. Cùng ngày 25/2, CDS của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines lần lượt giảm còn 179,52, 97, 132 và 79,74 điểm cơ bản, là ngưỡng thấp nhất trong nửa đầu năm 2015.

Một trong những yếu tố khiến Fed còn thận trọng về việc nâng lãi suất là đồng USD vẫn tăng mạnh. Những thị trường tài chính lớn khác bắt đầu gói nới lỏng định lượng khổng lồ để cứu nền kinh tế (như QE trị giá 1.200 tỷ USD của khu vực đồng tiền chung châu Âu và gói QE trị giá 80.000 tỷ yên của Chính phủ Abe Shinzo vào ngày 17/3/2015).

Xu hướng tăng dần của phí bảo hiểm tín dụng tăng trong quý II cũng đến từ những yếu tố kinh tế nội tại của mỗi quốc gia. Indoneisa và Thái Lan cùng giảm lãi suất để kích thích xuất khẩu, tăng tính cạnh trạnh trên thị trường quốc tế (Indonesia giảm lãi suất xuống còn 7,5% trong tháng 2, trong khi Thái Lan giảm hai lần từ 2% xuống 1,75% vào ngày 11/3 và xuống 1,5% vào tháng 4). Việt Nam tiếp tục nhập siêu trong 6 tháng đầu năm đạt 3,8 tỷ USD. Con số này gây sức ép lên thâm hụt ngân sách nhà nước do giảm thu từ dầu thô.

Giá dầu thế giới duy trì ở ngưỡng thấp từ 43 đến 61 USD/thùng dầu Brent trong giai đoạn nửa đầu năm khiến các nước khai thác dầu thô như Việt Nam và Indonesia đều giảm thu ngân sách, tăng nguy cơ về mức thâm hụt ngân sách trong năm nay.

Cuộc khủng hoảng của Hy Lạp trong tháng 6 cũng tác động tới thị trường Đông Nam Á, với những vòng đàm phán gay go giữa chủ nợ và Chính phủ Alexis Tsipras. Thông tin đàm phán nợ của quốc gia này cho thấy tính ổn định hơn ở các thị trường mới nổi ở châu Á so với thị trường châu Âu. Chính vì thế, đã có những tác động điều chỉnh giảm CDS của các thị trường mới nổi tại từng thời điểm cụ thể.

Thảo luận về vai trò của bảo hiểm tài sản công
Chiều 18/7, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm và Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo hiểm tài sản công:...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư