Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
PhinDeli nhắm đến phong cách cà phê phin
Anh Hoa - 19/08/2013 13:14
 
Trong khi Starbucks dường như đang mơ hồ trong chiến lược kinh doanh tại thị trường có văn hoá cà phê rất khác biệt, thì PhinDeli đã định vị rất rõ là nhắm đến phong cách uống cà phê phin rất đặc trưng của Việt Nam. Ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty PhinDeli trao đổi về vấn đề này. Doanh nhân Việt biến thị trấn Mỹ thành thủ phủ cà phê

Tại sao ông chọn phát triển thương hiệu cà phê Việt 100%, mà không phải là dòng sản phẩm đồ uống nào khác?

Sau khi trở thành Thị trưởng Thị trấn Buford (Mỹ), nhiều người đã hỏi tôi sẽ làm gì với thị trấn mà tôi làm chủ. Lúc đó tôi chỉ trả lời đơn giản là, tôi muốn Buford trở thành một showroom giới thiệu hàng Việt.

Ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty PhinDeli

Sau khi gặp gỡ và nói chuyện với một số bạn bè và doanh nghiệp về ý tưởng này, tôi quyết định đi theo hướng phát triển riêng một thương hiệu, sản phẩm mà Việt Nam là thế mạnh, hoặc những sản phẩm gắn với văn hóa Việt.

Và tôi sực nghĩ đến cà phê và phong cách uống cà phê phin rất đặc trưng của chúng ta.

Mỹ được xem là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới và ở Mỹ cũng có hơn 3 triệu người gốc Việt, đây là cơ hội rất là lớn với chúng tôi.

Và động thái đầu tiên để ông phát triển thương hiệu cà phê này là đổi tên Thị trấn Buford thành PhinDeli?

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới, nhưng gần như chỉ xuất cà phê dưới dạng thô, nên vị thế rất khiêm tốn trên bản đồ cà phê thế giới. Chúng ta hầu như không có những thương hiệu cà phê mang tầm quốc tế.

Một thị trấn cà phê ngay trên đất Mỹ sẽ là bàn đạp để chúng tôi từng bước thâm nhập thị trường này. Và không còn gì hơn là có thị trấn cà phê mang tên Việt Nam, do người Việt sở hữu. Ngày 3/9 tới, chúng tôi sẽ chính thức làm Lễ giới thiệu Thị trấn PhinDeli tại Mỹ.

Tại sao ông không marketing ngay thương hiệu này ở Việt Nam, mà phải làm tại thị trường Mỹ rồi mới quay lại?

Đây cũng là một cách tiếp cận mà nhiều người cho là liều lĩnh, vì thông thường, các doanh nghiệp sẽ lớn mạnh ở Việt Nam trước khi mở rộng ra thị trường nước ngoài. Quyết định táo bạo này hệt như lúc tôi tham gia đấu giá Buford, với mong muốn thị trấn này phải do người Việt sở hữu.

Ngoài ra, tôi cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của truyền thông cả hai nước, thực tế là cả thế giới. Đã có rất nhiều báo chí đưa tin về sự kiện người Việt mua thị trấn Mỹ. Và bây giờ họ lại bắt đầu đưa tin người Việt đổi tên thị trấn Mỹ, xây dựng thủ phủ cà phê Việt.

Tại sao ông chọn tên là PhinDeli?

Chúng tôi muốn có một cái tên mang nét Việt, nhưng lại dễ nhớ, dễ đọc cho cả người nước ngoài. Sau khi xem xét hàng trăm cái tên, chúng tôi chọn thương hiệu cà phê là PhinDeli.

Chữ “Phin” là từ đầu tiên trong phin cà phê, một vật dụng pha chế quen thuộc cho thức uống gần như là “quốc hồn quốc túy” của người dân Việt Nam. Còn Deli là viết tắt của chữ “delicious” - thơm ngon.

Phát triển PhinDeli tại thị trường Việt Nam, ông có ngại phải đối đầu với Starbucks hay Highland Coffee không?

Starbucks hay Highland Coffee thực chất là chuỗi cà phê quán. Còn chúng tôi tập trung phát triển cà phê sản phẩm, uống tại nhà hoặc văn phòng. Tại Việt Nam, sản phẩm PhinDeli đã bắt đầu vào chuỗi siêu thị lớn như Coopmart, Citimart, Hapro..., cũng như các chợ, các điểm bán lẻ trên thị trường truyền thống.

Chúng tôi cũng có mặt mặt tại Hội chợ Tôn vinh hàng Việt 2013. Khách hàng sau khi uống thử đều rất thích và trung bình mỗi ngày, chúng tôi bán được 300 - 400 hộp. Nhiều người cho biết, họ mua PhinDeli vì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông có thể chia sẻ về phân khúc khách hàng mà PhinDeli nhắm đến?

Chúng tôi tập trung vào những khách hàng có thu nhập từ trung bình trở lên, đặc biệt là những người quan tâm đến sức khỏe. Họ chọn những sản phẩm không chỉ ngon, hợp gu, mà phải bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng tôi có 2 nhóm sản phẩm: siêu sạch và thượng hạng. Mỗi nhóm có 3 loại sản phẩm, nhắm đến nhiều gu cũng như phân khúc giá khác nhau.

Ông thấy tiềm năng để kinh doanh cà phê tại Việt Nam đang biến động thế nào?

Thị trường cà phê nói chung ở Việt Nam luôn tăng trưởng, nhất là phân khúc cà phê sạch, vì ngày càng nhiều người ý thức được tác hại của hóa chất độc hại có trong thực phẩm, đặc biệt là đồ uống.

Chỉ hai chữ Việt Nam đã làm tôi sung sướng!
Nói đến Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Công ty Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Quốc tế (IDS) ít ai biết đến. Thế nhưng khi nhắc đến một doanh nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư