Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
PVI Re chào giá cao cho đợt phát hành tăng vốn
Kỳ Thành - 18/12/2022 15:25
 
Mặc dù thị giá cổ phiếu PRE đã có đợt phục hồi mạnh, nhưng mức giá mà Tổng công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) chào bán cho cổ đông hiện hữu vẫn cao hơn giá thị trường.

Phát hành cổ phiếu tăng vốn cao hơn thị giá

Hôm nay (16/12) là ngày đăng ký cuối cùng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của mã PRE - HNX).

Theo kế hoạch mà PVI Re công bố trước đó ít ngày, Công ty dự kiến chào bán thêm 31,6 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) với giá chào bán 20.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 632 tỷ đồng. Thời gian nhận đăng ký mua từ ngày 23/12/2022 đến 12/1/2023.

Như vậy, kể từ khi “rục rịch” lên kế hoạch tăng vốn từ đầu quý IV/2021, đến nay, PVI Re mới “chốt” được thời điểm và giá chào bán.

Sau giai đoạn thị giá cổ phiếu PRE bị điều chỉnh do ảnh hưởng chung của thị trường, mã cổ phiếu này đã ghi nhận đà phục hồi mạnh, từ mức 13.800 đồng (giá điều chỉnh) ngày 10/11 lên mức 19.130 đồng (phiên 1/12). Sau những phiên điều chỉnh đầu tháng 12 khiến cổ phiếu này có lúc quay lại mức 16.650 đồng, thì PRE đã lấy lại đà tăng và đóng cửa ở mức19.700 đồng/cổ phiếu trong phiên 14/12.

Mặc dù mức giá chào bán mà PVI Re đưa ra cao hơn thị giá cổ phiếu PRE giao dịch trên sàn, nhưng thực tế cho thấy, cơ cấu cổ đông của PVI Re rất cô đặc, công ty mẹ (CTCP PVI) đang nắm giữ 73,11% vốn tại PVI Re, khối lượng giao dịch mã PRE trên sàn chỉ vài ngàn đơn vị mỗi phiên. Đây có thể xem là “điểm tựa” để PVI Re đưa ra mức giá rất “tự tin” như vậy.

Hiện tại, vốn điều lệ của PVI Re là 728 tỷ đồng - tương ứng 72,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của Tổng công ty sẽ tăng lên 1.044 tỷ đồng.

PVI Re đánh giá, nếu tăng vốn thành công, Tổng công ty sẽ có tiềm lực để tăng cường đầu tư mở rộng khả năng khai thác dịch vụ, nâng cao mức phí bảo hiểm giữ lại. Đồng thời, việc tăng cường khả năng tài chính của PVI Re còn nhằm thu hút dịch vụ nhận tái bảo hiểm trong và ngoài nước, nâng mức giữ lại các dịch vụ có hiệu quả.

PVI Re đã đề ra kế hoạch kinh doanh 5 năm 2022-2026 trong trường hợp tăng vốn thành công trước ngày 1/1/2023. Cụ thể, doanh thu phí nhận tái bảo hiểm cả giai đoạn đạt 12,140 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15%/năm; phí giữ lại kế hoạch cả giai đoạn gần 4.900 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 15%/năm, tỷ lệ giữ lại bình quân đạt khoảng 40%/năm.

Đối với hoạt động đầu tư tài chính, sau tăng vốn thành công, vốn đầu tư tài chính của PVI Re được tăng thêm. Do đó, Tổng công ty lên kế hoạch tăng quy mô đầu tư bình quân 14%/năm. Trong đó, tỷ lệ tiền đầu tư tiền gửi tăng từ 60% lên 63%; đầu tư dài hạn khác tăng từ 12% lên 20%. Ngược lại, đầu tư vào các quỹ giảm từ 28% còn 17%.

Hoàn thành 89% chỉ tiêu cả năm sau 9 tháng

Trước thềm đợt phát hành, PVI Re đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm 2022 (sau soát xét) và bỏ qua kết quả kinh doanh chi tiết quý III/2022.

Sau 9 tháng, PVI Re ghi nhận doanh thu phí nhận tái bảo hiểm tăng 37% so với cùng kỳ, đạt gần 1.943 tỷ đồng. Chi phí tăng cao hơn doanh thu thuần, khiến lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ nhích nhẹ lên gần 63 tỷ đồng.

Về hoạt động đầu tư tài chính, lợi nhuận tăng 7% so cùng kỳ, đạt gần 77 tỷ đồng nhờ thu được hơn 101 tỷ đồng doanh thu tài chính, bao gồm lãi tiền gửi, lãi trái phiếu, lãi chênh lệch tỷ giá, cổ tức, lợi nhuận được chia. Nhờ đó, lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của PVI Re tăng 8% so cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 98 tỷ đồng.

Năm 2022, PVI Re đặt mục tiêu đạt 136 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả trên, Tổng công ty đã hoàn thành được 89% mục tiêu sau 9 tháng.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của PVI Re tăng 11% so với đầu năm, đạt gần 5.584 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu ngắn hạn tăng đến 89% lên gần 790 tỷ đồng.

Tài sản chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn với gần 1.338 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Ngược lại, tài sản tái bảo hiểm giảm nhẹ 4%, xuống còn 2.273 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng tăng 12%, lên gần 4.649 tỷ đồng, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ (gần 3.550 tỷ đồng).

Đáng chú ý là, tại ngày 30/9/2022, PVI Re có 1.237 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn và 122,6 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu. Ngoài ra, PVI Re cũng đầu tư góp vốn vào 2 quỹ thuộc “họ” PVI là Quỹ Đầu tư cơ hội PVI (POF) và Quỹ Đầu tư hạ tầng PVI (PIF) với tổng giá trị 578,5 tỷ đồng. Các khoản đầu tư này đều đang ghi nhận giá trị hợp lý cao hơn giá gốc.

Theo kế hoạch phát hành tăng vốn, nếu huy động đủ 632 tỷ đồng, PVI Re sẽ đầu tư 377 tỷ đồng gửi ngân hàng và 255 tỷ đồng đầu tư dài hạn khác, bao gồm trái phiếu ngân hàng thương mại, trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo.

PVI Re tham vọng tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng
Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp 1,65 lần, từ 668 tỷ đồng hiện nay lên 1.100 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư