Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh định hình mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn mới
Lê Thu - 23/09/2020 09:23
 
Quảng Ninh sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện hạ tầng, phát triển kinh tế xanh, cải cách hành chính đồng bộ, lấy con người và cải thiện dân sinh làm mục đích.
Với định hướng phát triển kinh tế lấy mũi nhọn là dịch vụ - du lịch, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao. Ảnh: Hùng Sơn
Với định hướng phát triển kinh tế lấy mũi nhọn là dịch vụ - du lịch, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao. Ảnh: Hùng Sơn

Nhận diện thách thức

Thách thức cố hữu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Quảng Ninh trong nhiều năm trước là dựa vào phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm chủ đạo, trọng yếu. Song, ngành công nghiệp của tỉnh chủ yếu là khai khoáng, trình độ chưa cao, chưa thực sự hợp lý, tiềm ẩn những yếu tố gây ô nhiễm môi trường.

Do vậy, từ năm 2010, Quảng Ninh đã lựa chọn thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển, gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Từ đó, giảm dần việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn, tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa lý, địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống lịch sử... để phát triển.

Kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng tốt dựa trên trụ cột dịch vụ - du lịch, công nghiệp (tỷ trọng ngành khai khoáng đã giảm, nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn). Với định hướng phát triển kinh tế lấy mũi nhọn là dịch vụ - du lịch, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của miền Bắc, hướng đến là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, trở thành một điểm đến quốc tế.

Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, công viên Đại dương, quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh... đã góp phần khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch của Quảng Ninh. Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 3 sao trở lên được đầu tư, hiện có gần 8.000 phòng, tăng 68% so với năm 2015...

Song, đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2020 đã tác động mạnh đến ngành dịch vụ - du lịch của thế giới cũng như trong nước và Quảng Ninh không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này. Qua đó, những điểm yếu, hạn chế về “sức khoẻ” của nền kinh tế Quảng Ninh đã bộc lộ và được nhìn nhận rõ nét hơn.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã chỉ rõ: “Tốc độ tăng trưởng của khu vực du lịch, dịch vụ không đạt mục tiêu đề ra; phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm so với tiềm năng, lợi thế; thương mại biên giới còn phụ thuộc nhiều vào chính sách biên mậu và yếu tố bên ngoài, phát triển chưa bền vững...”.

Định hình cơ bản, rõ nét

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia. Thời điểm hiện tại, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng do tác động rộng, sâu, nhiều chiều của Covid-19. Trong bối cảnh đó, Quảng Ninh đã xác định 5 mâu thuẫn, thách thức nội tại lớn mà địa phương cần phải giải quyết trong thời gian tới, trên cơ sở đó, cơ bản xác định quan điểm, định hướng phát triển cho giai đoạn 2020 - 2025.

Đó là: lấy phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích. Lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng. Lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng. Lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực. Lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

Quảng Ninh tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại, phát triển.

Tỉnh sẽ kiên trì thực hiện không gian phát triển “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai mũi đột phá”. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục phát huy dân chủ, kỷ cương và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững...

Điểm tựa phát triển bền vững

Đó vẫn là 3 trụ cột: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, nhưng trong nội tại của mỗi trụ cột cần phải có sự chuyển biến rõ nét. Cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh cùng đồng tình với quan điểm về định hướng phát triển này.

Cụ thể, dịch vụ phải phát triển để ngày càng giữ vai trò chủ đạo, còn du lịch vẫn là mũi nhọn. Đối với công nghiệp, cần tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao trình độ công nghệ; nâng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh với giá trị gia tăng lớn. Quảng Ninh sẽ vẫn chủ động xây dựng hạ tầng để đón nhà đầu tư là những nhà sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thông minh... Với nông nghiệp, cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Lợi thế lớn hiện nay của Quảng Ninh chính là quỹ đất công nghiệp còn rộng, nằm cạnh các trục giao thông lớn với hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ. Trong đó, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, bổ sung quy hoạch nằm cạnh cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đang trở thành hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng tuyến phía Tây của tỉnh.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã quan tâm nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, công nghiệp công nghệ cao. Quảng Ninh ngày càng thu hút các nhà đầu tư lớn có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp sạch vào nghiên cứu, đầu tư, như TCL, Foxconn, Thành Công, Vingroup...

Tuy vậy, nhìn nhận một cách thẳng thắn, thì hiệu quả của khu vực đầu tư nước ngoài tại Quảng Ninh chưa đạt kỳ vọng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có nhiều đột phá. Ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang lên kế hoạch triển khai Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Quảng Ninh sẽ triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Quảng Ninh. Việc thu hút các dự án, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thông minh phải được đẩy mạnh việc xúc tiến. Việc thẩm định, phê duyệt dự án trong lĩnh vực khoa học - công nghệ sẽ thực hiện theo cơ chế có hội đồng thẩm định dự án riêng. Thông qua hội đồng thẩm định này, nhà đầu tư và cơ quan chuyên môn phụ trách sẽ không phải lấy ý kiến thẩm định của các đơn vị liên quan.

“Điều này sẽ rút ngắn rất nhanh thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để tăng sức cạnh tranh trong việc thu hút được các dự án tốt”, ông Nam khẳng định.

Song song với đó, Quảng Ninh sẽ chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi đây là một trong những điều mà nhà đầu tư rất quan tâm trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015). Cơ cấu lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng hiện chiếm 31%, dịch vụ là 45,2%. Vậy nên, trong kế hoạch triển khai Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam của Quảng Ninh, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực rất được chú trọng.

Định hướng không gian phát triển tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới

Trong giai đoạn tới, Quảng Ninh định hướng thực hiện không gian phát triển “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai mũi đột phá”.

“Tâm” là TP. Hạ Long, là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh.

Tuyến phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Trong đó, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới.

Tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới Đông Bắc Á phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.

“Đa chiều” là phối hợp liên kết ở cấp quốc gia, hợp tác cạnh tranh ở cấp quốc tế.

Hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.
Tập đoàn Thành Công xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô tại Quảng Ninh
Sáng ngày 22/09/2020, Tập đoàn Thành Công đã chính thức động thổ dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư