Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Quảng Ninh duy trì tinh thần cải cách, nâng cao sự hài lòng của người dân
Thu Lê - 20/07/2022 18:13
 
Những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, các giải pháp đã được chỉ ra tại Hội nghị Phân tích chuyên sâu chỉ số Cải cách hành chính, chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của Quảng Ninh.

Hội nghị được diễn ra tại Thành phố Hạ Long trong chiều ngày 20/7/2022, với sự tham dự của Thứ Trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ, ông Nguyễn Trọng Thừa; Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính của Bộ Nội vụ, ông Phạm Minh Hùng.

Tại hội nghị, những vấn đề còn hạn chế trong việc thực hiện Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính tỉnh Quảng Ninh (SIPAS) năm 2021 đã được chỉ ra và phân tích rõ nguyên nhân, hạn chế, đồng thời đưa ra giải pháp cải thiện cụ thể.

Những điểm chưa được

Kết quả đánh giá Chỉ số SIPAS năm 2021 đạt 94,07%, song so với năm 2020 (đạt 95,76%) giảm 1,69% và cả 5/5 chỉ số thành phần đều giảm tỷ lệ so với năm 2020. Vẫn còn 5,25% tỷ lệ người dân đánh giá bình thường hoặc không hài lòng về công chức. Đồng thời, so với năm 2020 tỷ lệ hài lòng trung bình về công chức đạt 94,75%, thấp hơn so với năm 2020 là 0,52%. Trong 07 tiêu chí đánh giá về công chức năm 2021 có 7/7 tiêu chí đánh giá có tỷ lệ hài lòng đều thấp hơn so với năm 2020.

Đối với Chỉ số PAR Index, nếu năm 2020, tổng điểm của tỉnh Quảng Ninh đạt được 91,04 điểm và đứng đầu cả nước, thì đến năm 2021, dù tổng điểm đã tăng 0,1 điểm, song xếp hạng của Quảng Ninh đã xuống một bậc, đứng sau thành phố Hải Phòng.

Kết quả Chỉ số PAR INDEX tỉnh Quảng Ninh qua các năm từ 2015-2021.
Kết quả Chỉ số PAR INDEX tỉnh Quảng Ninh qua các năm từ 2015-2021.

Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thắng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan thì công tác cải cách hành chính vẫn còn  những mặt hạn chế. “Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thuộc về chủ quan là chủ yếu”, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định. 

Về chỉ số PAR Index năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh, trong số 8 lĩnh vực được đánh giá, thì có 1/8 lĩnh vực giữ vững thứ hạng; có 2/8 lĩnh vực tăng thứ hạng và 5/8 lĩnh vực giảm thứ hạng so với năm 2020. Một số trục nội dung bị giảm điểm như: Hiện đại hóa nền hành chính đạt 13,06/15 điểm (đạt tỷ lệ 87,06%), giảm 24 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2020; Lĩnh vực về cải cách TTHC đạt 13,47/13,5 điểm (99,77%), giảm 4 bậc so với năm 2020; Lĩnh vực về cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 10,37/11,5 điểm (90,17%), giảm 5 bậc so với năm 2020.

Nhấn mạnh về lĩnh vực giảm sâu nhất - Hiện đại hóa nền hành chính, ông Khắng thể hiện sự lo lắng: “Đúng ra, với lĩnh vực này, qua những gì Quảng Ninh đang thực hiện trong việc xây dựng chính quyền điện tử thì đây phải là mảng Quảng Ninh có sự tăng điểm tốt. Nhưng kết quả thì ngược lại”. Thậm chí, nhìn lại trong 5 năm gần nhất trong lĩnh vực này, Quảng Ninh còn đang có xu hướng ngày càng tụt hạng sâu so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nếu năm 2017 đạt 13,22/16 điểm (xếp thứ 3), thì đến năm 2021 đạt 13,06/15 điểm (xếp thứ 49).

ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phân tích những điểm hạn chế trong chỉ số cải cách hành chính Tỉnh năm 2021.
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phân tích những điểm hạn chế trong Chỉ số cải cách hành chính Tỉnh năm 2021.

Phân tích thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra: trong 5 tiêu chí được đánh giá của lĩnh vực Hiện đại hoá nền hành chính, Tỉnh còn 3/5 tiêu chí không đạt điểm tuyệt đối gồm: (1) Tiêu chí về Ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, chỉ đạt 6,8266/7,25 điểm (đạt 94,16%); (2) Tiêu chí về Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, chỉ đạt 0,5/1,25 điểm (đạt 40%); (3) Tiêu chí khảo sát đánh giá tác động của cải cách đến hiện đại hóa hành chính, chỉ đạt 3,23/4 điểm (đạt 80,75%).

Nguyên nhân khiến 3 chỉ số này bị giảm điểm được chỉ ra là do việc trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật) chưa được thực hiện triệt để 100%. Trong năm 2021, theo đánh giá còn đến 7.937/ tổng số 529.114 văn bản đi được gửi dưới dạng văn bản giấy (chiếm 1,5%). Việc tích hợp, cung cấp số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia còn chậm. Công tác tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả.

Thậm chí, vẫn còn có đơn vị, địa phương chưa kịp thời cập nhật các thông tin, triển khai đầy đủ các tính năng, tiện ích trên Cổng/trang thông tin điện tử của đơn vị dẫn đến hạn chế về tốc độ truy cập, tính năng sử dụng nên người dân, doanh nghiệp ngại tham gia trong việc truy cập, khai thác thông tin…

Hay như nguyên nhân khiến lĩnh vực cải cách TTHC tỉnh năm 2021 bị giảm 5 bậc so với năm 2020 được Quảng Ninh chỉ ra là do hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết quá hạn còn lớn. Như hồ sơ cấp tỉnh là 144 hồ sơ, cấp huyện là 3.784 hồ sơ, cấp xã là 618 hồ sơ. Đa số các hồ sơ TTHC trên quá hạn là ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng, cấp phép đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư...

Đặc biệt, số lượng hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn của Tỉnh có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Nếu như năm 2020 ở cấp tỉnh có 37 hồ sơ quá hạn, cấp huyện là 436 hồ sơ, cấp xã không có hồ sơ quá hạn, thì đến năm 2021 số hồ sơ quá hạn ở cả 3 cấp đã tăng cao. Các hồ sơ quá hạn chủ yếu tập trung tại UBND các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn... Đơn cử như Móng Cái có đến gần 1.400 hồ sơ/5.000 hồ sơ thuộc thẩm quyền bị quá hạn.

Cần phải thực hiện “6 dám” 

Chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Để Quảng Ninh tiếp tục duy trì ngọn lửa cải cách, xây dựng một nền hành hiện đại, tinh giảm, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp thì cần phải thực hiện sáu dám. Đó là: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã tiếp tục xác định “Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PCI và PAPI” là một trong ba đột phá chiến lược. Đồng thời, cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025: “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)”.

Khuyến nghị một số giải pháp cho Quảng Ninh, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ)
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) khuyến nghị một số giải pháp cho tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thu Lê.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề ra 9 nhóm giải pháp cụ thể áp dụng cho các sở, ngành, địa phương. Trong đó nhấn mạnh việc phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính; Tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhất là lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...; Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện số hóa trong giải quyết TTHC ở cả 3 cấp chính quyền;...

Khuyến nghị một số giải pháp cho Quảng Ninh, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh: Tỉnh cần phải triển khai ngay các biện pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, yếu kém đã chỉ ra; phát huy vai trò của cơ quan thường trực CCHC của tỉnh; không ngừng sáng tạo, nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng các mô hình cải cách mới, có tính đột phá....

Với điểm hạn chế đã được phân tích kỹ càng, cùng những giải pháp thiết thực đã được đưa ra ngay tại Hội nghị, Quảng Ninh cam kết sẽ duy trì, giữ vững và nâng cao kết quả các chỉ số của tỉnh trong giai đoạn tới, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; đáp ứng niềm mong mỏi, kỳ vọng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã dành cho Tỉnh.

Quảng Ninh: Hơn 94,4% người dân hài lòng về sự phục vụ của cơ quan nhà nước
Sáng ngày 16/4, tỉnh Quảng Ninh công bố kết quả xếp hạng chỉ số PAR INDEX, SIPAS, chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI), mức độ chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư