Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Trị đề xuất đầu tư đường dây mạch kép 500kV Nhà máy điện LNG Hải Lăng
Ngọc Tân - 27/12/2023 08:33
 
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa có báo cáo Bộ Công Thương về tình hình thực hiện dự án nhà máy điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1 và đề xuất một số kiến nghị liên quan.

Dự án nhà máy điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1 được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng, nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021, quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 148 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.

Phối cảnh Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng
Phối cảnh Dự án điện khí LNG Hải Lăng

Về quy mô, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 - 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm; và Trung tâm điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) có công suất phát điện 1.500 MW.

Dự án do Tổ hợp nhà đầu tư thực hiện gồm liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T - Tổng Công ty Năng lượng Hanwha (HEC) - Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO).

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, về tiến độ, hiện nay dự án đã hoàn thành việc xin ý kiến của Cục Tác chiến – Bộ Quốc phòng về việc chấp thuận độ cao công trình cho giai đoạn 1.

Tổ hợp nhà đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện các thỏa thuận chuyên ngành, hồ sơ pháp lý liên quan theo hướng dẫn của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để tiếp tục trình nộp và đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến thẩm định.

Về việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự kiến trong tháng 12/2023, Tổ hợp nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ lên Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện tham vấn trực tuyến; đến ngày 16/1/2024, cập nhật các nội dung, ý kiến nhận được trong quá trình tham vấn trực tuyến vào báo cáo ĐTM, hoàn thiện báo cáo tình thẩm định báo cáo ĐTM theo quy định.

Về phương án phòng cháy chữa cháy, Tổ hợp nhà đầu tư đã hoàn thành báo cáo chuyên ngành phòng cháy chữa cháy và phát hành văn bản trình nộp hồ sơ theo ý kiến góp ý của tư vấn thẩm tra để trình Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ thẩm duyệt theo quy định.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Trị, tại báo cáo cáo này, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định liên quan đến bao tiêu sản lượng điển, giá điện và thời gian huy động công suất, điện năng của các nhà máy điện đầu tư xây dựng theo hình thức dự án điện độc lập (IPP) để tạo thuận lợi cho việc vay vốn từ các tổ chức nước ngoài cho các dự án nguồn điện lớn.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, do giá LNG biến động theo từng thời kỳ, do đó, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương đề nghị cấp thẩm quyền xem xét về đề xuất giá LNG và các chi phí liên quan trong PPA sẽ được áp dụng cơ chế chuyển giá nhiên liệu vào giá bán điện. Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan đến nhà máy điện sử dụng LNG như phê duyệt công thức giá bán khí LNG tái hoá và các cước phí thành phần; cam kết dài hạn cho sản lượng điện được thanh toán theo giá hợp đồng.

Đối với việc đầu tư đường dây mạch kép 500kV Nhà máy điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1 – Quảng Trị dài 23 km, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thi công nhằm giải quyết thủ tục thỏa thuận đấu nối cũng như các thoả thuận khác có liên quan, đảm bảo tiến độ dự án.

Đề xuất điều chỉnh diện tích trên đất liền dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng
Theo đó, Tổ hợp Nhà đầu tư đề xuất giảm diện tích sử dụng đất cho dự án xuống còn 58,8 ha và giữ nguyên diện tích mặt nước để phù hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư