Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quốc hội bế mạc kỳ họp bất thường, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia
Nguyễn Lê - 09/01/2023 06:26
 
Bên cạnh Quy hoạch, trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội còn bấm nút thông qua Luật Khám bênh, chữa bệnh (sửa đổi), một số nội dung về ngân sách.
.
Phiên thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Sau 4 ngày làm việc, chiều nay (9/1/2-23 ) Quốc hội khoá XV sẽ bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Nội dung đầu tiên được Quốc hội bấm nút trong phiên bế mạc là Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), cũng là nội dung quan trọng nhất của kỳ họp này.

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Quy hoạch với 217 ý kiến phát biểu và tại hội trường với 26 ý kiến.

Giải trình cuối phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều thống nhất với tờ trình và cơ bản đồng tình với những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các ý kiến thống nhất cho rằng, đây là một quy hoạch được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của đất nước, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và của Quốc hội.

"Có thể nói rằng, đây là một công trình nghiên cứu hết sức đồ sộ và công phu, nghiêm túc, khoa học, với 41 hợp phần, với gần 7000 trang tài liệu. Gần 30 cơ sở viện, trường nghiên cứu, khoảng hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch tham gia vào công trình này", Bộ trưởng cho biết.

Quy hoạch này, theo Bộ trưởng được lập với một phương pháp tiếp cận hết sức mới, hiện đại và đảm bảo các thông lệ tốt của quốc tế, phù hợp với các xu thế vận động và ng mới hiện nay cũng như các nghị quyết của Trung ương Đảng về các vùng, về các địa phương, về các ngành và lĩnh vực đã ban hành trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng cũng khẳng định rất nhiều ý kiến về đánh giá hiện trạng, quan điểm phát triển, định hướng phát triển của các ngành, các vùng, danh mục dự án, nguồn lực, mục tiêu, chỉ tiêu... Ban soạn thảo đã cơ bản tiếp thu.

"Trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch đã giao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, chỉnh lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và các cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tính thống nhất với nội dung nghị quyết của Quốc hội. Với tư cách là cơ quan soạn thảo, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu để đảm bảo chất lượng cũng như tính khả thi cao nhất của quy hoạch này", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Ông cũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ mới và khó, lần đầu tiên làm, do vậy chưa có kinh nghiệm. Song Quy hoạch đã đảm bảo tuân thủ là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội XIII cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, theo hướng phân vùng và liên kết vùng, lãnh thổ, xác định tổ chức không gian phát triển của đất nước.

"Quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Đây là những yếu tố rất mới để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Hồi âm các ý kiến về hình thành và phát triển các vùng động lực, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời kỳ trước cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với một quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm tới 27,5% diện tích của cả nước, 53,1% dân số cả nước. Các vùng kinh tế trọng điểm này chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm này vẫn đang còn có trình độ phát triển dưới hoặc là tương đương với mức trung bình của cả nước.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, Quy hoạch đã lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất, có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế để xác định ra 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng.

Các vùng này sẽ được ưu tiên cả về thể chế và nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đóng góp lớn hơn, tạo sự lan tỏa nhiều hơn cho cả vùng xung quanh và cho cả nước, Bộ trưởng nêu rõ.

Bên cạnh Quy hoạch, phiên bế mạc Quốc hội còn bấm nút thông qua Luật Khám bênh, chữa bệnh (sửa đổi), một số nội dung về ngân sách. 

Cũng trong ngày làm việc cuối cùng, buổi sáng, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Ngày 8/1, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về nội dung trên.

Báo cáo phản ánh, một số ý kiến đại biểu cho rằng, Nghị quyết 30 cho phép thực hiện biện pháp ngoài luật, đặc cách, đặc biệt, đặc thù, khi kiểm toán thì theo pháp luật hiện hành cũng cần xem xét, tính toán, cân nhắc và tạo điều kiện để tránh vướng mắc.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị dự thảo nghị quyết bổ sung một điều quy định về việc nếu trong quá trình tổ chức thực hiện có tư lợi, vụ lợi thì xử lý, nhưng làm vì mục tiêu chung, vì sức khỏe cộng đồng, vì sức khỏe người dân trong thời điểm nguy cấp, không có tiền lệ thì phải xem xét cho thấu tình, đạt lý.

Quy hoạch Tổng thể quốc gia: Rất khó, nhưng không lùi được
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hồi âm ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về Quy hoạch Tổng thể quốc gia, sáng 6/1.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư