Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quốc hội thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội, sửa một số luật về đầu tư
Nguyễn Lê - 04/11/2024 07:15
 
Khi thảo luận tổ, có đại biểu đề nghị xem xét tính thực tế của việc Chính phủ đặt mục tiêu GDP đến năm 2030 đạt 750 - 800 tỷ USD, vì như thế thì tốc độ tăng trưởng giai đoạn tới phải đạt 8 - 9%/năm.
.
Kỳ họp thứ tám của Quốc hội đã qua hai tuần làm việc.

Hôm nay (4/11), Quốc hội khóa XV bước vào tuần thứ ba của Kỳ họp thứ tám, dành một ngày thảo luận tại hội trường về 4 nội dung.

Gồm, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Đây là các nội dung đã được Quốc hội thảo luận tại tổ trong cả ngày 26/10.

Về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã có 215 lượt đại biểu phát biểu tại tổ.

Theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, nhiều ý kiến đánh giá rất cao quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành và địa phương; sự ủng hộ, đồng tình của Nhân dân, đặc biệt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên tất cả các vùng, miền trong cả nước.

Có ý kiến cho rằng, công tác dự báo còn hạn chế, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhưng năm 2024 lại vượt kế hoạch khoảng 1 điểm phần trăm. Đại biểu đề nghị xem xét tính thực tế của việc Chính phủ đặt mục tiêu GDP đến năm 2030 đạt 750 - 800 tỷ USD, vì như thế, tốc độ tăng trưởng giai đoạn tới phải đạt 8 - 9%/năm.

Một số vị đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm của nội dung làm mới động lực cũ, hình thành và thúc đẩy động lực mới cho tăng trưởng; làm rõ hơn động lực tăng trưởng chính của năm 2024.

Cạnh đó, có ý kiến cho rằng, báo cáo đánh giá lạc quan, nhưng chưa đầy đủ, đặc biệt là hậu quả của cơn bão số 3 sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025. Có ý kiến đề nghị báo cáo  của Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn vấn đề lãng phí, đề cập các giải pháp hiệu quả.

Về các hạn chế, theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm; quản lý thị trường vàng còn bất cập, chưa theo kịp biến động mạnh của giá vàng trong nước và thế giới; giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng cao; thời bình nhưng người dân mua vàng tích trữ là dấu hiệu bất thường, cần xem xét lại chính sách cũng như công tác quản lý thị trường vàng.

Có vị đại biểu cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là quản lý thị trường vàng theo biện pháp hành chính, chưa theo quy luật của kinh tế thị trường; do đó, cần phải xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp.

Một số ý kiến nhìn nhận, tình trạng giá vàng biến động lớn, khiến việc tiếp cận vàng trở nên khó khăn đối với người dân và ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế việc tăng giá vàng gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô và kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện sửa đổi Nghị định số 24/NĐ-CP nhằm quản lý chặt chẽ hơn thị trường vàng, hạn chế các tác động tiêu cực do đầu cơ gây ra. Đại biểu đề nghị sớm hoàn thiện các quy định về quản lý thị trường vàng, trong đó cần có các giải pháp để kiềm chế tình trạng đầu cơ vàng.

Sáng ngày tiếp theo trong tuần (5/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.

Trong công tác lập pháp, những dự án luật được thảo luận gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Dữ liệu.

Trọn ngày thứ tư (6/11), Quốc hội dành thảo luận các dự án luật về đầu tư, buổi sáng là dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), chiều là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia là nội dung của sáng 7/11.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa sẽ được thảo luận vào chiều 8/11.

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 cũng là nội dung được thảo luận tại tổ chiều 8/11.

Ngày thứ bảy (9/11) Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Nhà giáo, thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Sửa Luật Đầu tư công: Sẽ giảm mạnh dự án "trùm mền, đắp chiếu"
Theo đánh giá của các đại biểu quốc hội, những đề xuất chính sách trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ giúp giảm tối đa tình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư