Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp: Chú trọng hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân
Kỳ Thành - 22/02/2023 17:13
 
Tỉnh Đồng Tháp sẽ chuyển mình từ một địa phương có tỷ lệ dân di cư cao thành nơi định cư của người dân, điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung)

Ngày 22/2, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Báo cáo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa.

Tinh Đồng Tháp là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước. Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước, ngoài ra Đồng Tháp cũng là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh và triển vọng phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái.

Đồng Tháp là địa phương có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện để Đồng Tháp kết nối chặt chẽ với TP. HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận, đồng thời từ Đồng Tháp dễ dàng sang nước Campuchia thông qua 2 của khẩu quốc tế (Thường Phước và Dinh Bà) và 5 cửa khẩu phụ; bên cạnh đó Đồng Tháp có hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa được tạo bởi sông Tiền và sông Hậu.

Với vị thế địa kinh tế chiến lược nói trên, trong thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng lợi thế và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội: Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, năm 2022 đạt gần 100.000 tỷ đồng, xếp vào hàng khá của khu vực ĐBSCL. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Tỉnh ngày càng được cải thiện, với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn một số điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh. Cụ thể, như tư duy kinh tế của đại bộ phận dân cư vẫn lấy tăng trưởng theo chiều rộng là nền tảng, sức lao động là chủ yếu dẫn đến hiệu quả thấp, chưa chuyển đổi được tư duy kinh tế thị trường, phát huy được giá trị gia tăng theo chiều sâu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, công tác quy hoạch là cơ hội tốt để sắp xếp lại không gian phát triển mới. (Ảnh: Đức Trung)

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh nêu rõ, công tác quy hoạch là cơ hội tốt để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.

Cho biết bối cảnh lập quy hoạch tỉnh Đồng Tháp có thuận lợi lớn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị, tỉnh Đồng Tháp cần phải xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng.

Nhất trí với quan điểm trên, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh xác định quy hoạch là bước đi tiên phong, là vấn đề quan trọng nhất, do đó địa phương đã thay đổi trong tư duy lập quy hoạch.

“Chúng tôi không xem tài nguyên là vấn đề cốt lõi trong phát triển, mà coi yếu tố con người là vấn đề quan trọng nhất. Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển hài hòa, lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển”, ông Nghĩa cho hay.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh xác định quy hoạch là bước đi tiên phong, là vấn đề quan trọng nhất. (Ảnh: Đức Trung)

Với quan điểm đó, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững đến năm 2030.

Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển tỉnh dựa trên chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Xem công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các mũi đột phá, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bổ trợ (doanh nghiệp, khởi nghiệp, nông dân...) giúp Đồng Tháp chuyển mình từ một tỉnh di cư sang một tỉnh định cư, trở thành một điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu.

Tỉnh cũng đề ra mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống được nâng cao; mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

Đến năm 2050, Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mekong, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước. Tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững về thuỷ sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao của khu vực ĐBSCL, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Quan trọng hơn hết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đáng sống và hạnh phúc của vùng với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.

Về không gian phát triển, quy hoạch tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng liên huyện giàu đặc trưng, bao gồm: (1) Chuỗi đô thị và hành lang kinh tế sông Tiền; (2) Vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền; (3) Vùng kinh tế hậu cần ven sông Hậu và (4) Vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười.

Về phương án phát triển hệ thống đô thị, tỉnh Đồng Tháp phát triển mô hình các mạng lưới tiểu vùng đô thị đa trung tâm, với 1 chuỗi đô thị trung tâm và 3 tiểu vùng đô thị độc lập mang tính bổ trợ lẫn nhau.

Đồng Tháp phát triển du lịch thông minh theo công nghệ 4.0
Đồng Tháp định hướng phát triển du lịch thông minh, góp phần đưa du lịch Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực ĐBSCL, thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư