Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Quyết toán thuế, sơ suất là mất tiền
Mạnh Bôn - 27/02/2013 20:00
 
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, các tổ chức kinh tế và cá nhân phải hoàn thành việc quyết toán thuế năm 2012.
TIN LIÊN QUAN

Năm 2012, nhiều chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung, như Thông tư 123/2012/TT-BTC về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thông tư 06/2012/TT-BTC về thuế giá trị gia tăng, Thông tư 60/2012/TT-BTC về thuế nhà thầu; nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế được ban hành cũng liên quan chặt chẽ với việc quyết toán thuế. Vì vậy, theo khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), doanh nghiệp (DN), cá nhân cố gắng đừng để sơ xuất khi quyết toán thuế, dẫn đến vừa bị mất tiền oan, vừa bị cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính.

Quy định mới về thuế chặt chẽ hơn, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ cao hơn. Ảnh: Lê Toàn

Đơn cử với thuế TNDN. Cũng như năm 2011 và năm 2009, năm 2012, nhằm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách gia hạn nộp thuế TNDN, song được gia hạn không có nghĩa là không phải thực hiện quyết toán thuế.

“Trước đây, nhiều DN cho rằng, đã được gia hạn thuế TNDN, nên không cần đi thực hiện quyết toán thuế, vì vậy đã bị cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính”, ông Phụng cho biết và lưu ý rằng, theo quy định, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh lãi hay lỗ, dù được gia hạn hay không được gia hạn, DN bắt buộc phải quyết toán thuế TNDN. Nếu có lãi thì phải nộp thuế, còn nếu bị lỗ thì số lỗ này được chuyển sang 5 năm tiếp theo để xử lý (chuyển lỗ liên tục trong 5 năm từ năm 2013 đến năm 2017). Nếu thuộc diện được gia hạn cũng phải quyết toán, thông báo bằng “giấy trắng, mực đen, dấu đỏ” cho cơ quan quản lý thuế về số tiền thuế được gia hạn, thời gian được gia hạn.

Tương tự như vậy, mặc dù được miễn thuế thu nhập cá nhân bậc một cho 6 tháng cuối năm 2012, nhưng với cá nhân có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau cũng phải trực tiếp đến cơ quan thuế nơi cư trú để quyết toán, nếu không cũng sẽ bị xử phạt vi phạm về thuế hoặc không được hoàn thuế trong trường hợp số thuế đã tạm nộp nhiều hơn số thuế phải nộp.

“Quyết toán thuế mất khá nhiều thời gian, công sức và cũng rất dễ bị nhầm lẫn, bỏ sót, khai thiếu do phải kiểm tra rất nhiều chứng từ, sổ sách, hoá đơn trong cả một năm hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để tránh sai sót dẫn đến hoặc phải nộp tiền thuế nhiều hơn số đáng ra phải nộp, hoặc bị cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính, DN, cá nhân có thể thuê công ty cung cấp dịch vụ đại lý thuế thay mình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước”, ông Phụng khuyến cáo.

Chuyên gia tư vấn thuế cao cấp của Công ty TNHH Deloitte Vietnam, ông Bùi Ngọc Tuấn nhận định, chính sách thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng, thuế nhà thầu được sửa đổi, bổ sung năm 2012 về cơ bản có lợi cho DN. Tuy nhiên, có nhiều quy định khác với trước đây, khiến DN bất lợi nếu không tuân thủ đầy đủ.

“Chính sách về thuế mới quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu tính tuân thủ cao hơn. Nếu DN tuân thủ đầy đủ thì sẽ có lợi, ngược lại thì vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, vừa có thể bị phạt hành chính, truy thu thuế”, ông Tuấn cảnh báo.

Thông tư 123/2012/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN có nhiều thay đổi, trong đó, lưu ý một số quy định, như về định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu; xử lý quỹ trợ cấp mất việc làm, chi phí khuyến mại…

Cụ thể, theo quy định cũ (Thông tư 130/2008/TT-BTC), DN được tự động trích lợi nhuận trước thuế vào quỹ trợ cấp mất việc làm, nếu sử dụng không hết thì được chuyển số dư sang năm sau. Nhưng kể từ kỳ tính thuế năm 2012, việc trích lập đã bị bãi bỏ và toàn bộ số dư của quỹ trợ cấp mất việc làm đều phải đưa vào thu nhập chịu thuế.

Hay như quy định về khuyến mại, trong trường hợp DN mua hàng hoá bên ngoài để tặng khách hàng khi mua hàng hoá của mình, trước đây mặc nhiên được coi là hàng quảng cáo, khuyến mại, thì kể từ kỳ tính thuế năm 2012, nếu DN không đăng ký chương trình khuyến mại, quảng cáo sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra cho các loại hàng hoá khuyến mại, đồng thời chi phí mua hàng để quảng cáo, khuyến mại không được công nhận là chi phí hợp lý, hợp lệ khi quyết toán thuế TNDN.

Theo quy định, DN không phải thực hiện quyết toán thuế giá trị gia tăng, nhưng ông Phụng khuyên các DN, để giảm nghĩa vụ thuế, đồng thời vẫn chấp hành đúng các chính sách thuế, trong quá trình hoạt động, DN phải luôn nhớ đến vấn đề này để kê khai bổ sung, kê khai điều chỉnh nếu bị sai sót.

“Khi khai bổ sung, khai điều chỉnh, số thuế phải nộp nhiều hơn số đã khai thì DN chỉ bị coi là hành vi khai sai, chỉ phải nộp phạt 0,05%/ngày/số tiền khai sai. Ngược lại, nếu không quan tâm, không khai bổ sung, khai điều chỉnh thì sẽ bị coi là hành vi trốn thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế, đồng thời phải nộp phạt 0,05%/ngày/số tiền trốn thuế”, ông Phụng phân tích.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư