Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 25 tháng 01 năm 2025,
Rà soát các khoản có thể tăng thu
Hàn Tín - 29/05/2013 06:46
 
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư về tình hình ngân sách nhà nước năm 2013, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, để bảo đảm cân đối ngân sách, ngành thuế phải rà soát nhiều khoản thu có thể thu được.
TIN LIÊN QUAN
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh

Đã từng hơn 30 năm công tác trong ngành tài chính, Phó thủ tướng có cảm nhận rằng, công tác cân đối ngân sách năm nay đặc biệt khó khăn?

Quy mô nền kinh tế của nước ta nhỏ (GDP năm 2013 ước vào khoảng 150 tỷ USD), trong khi nhu cầu đầu tư phát triển, nhu cầu chi tiêu lớn, nên cân đối ngân sách năm nào cũng vất vả.

Nhưng kể từ khi đất nước bắt đầu đổi mới đến nay, năm 2013, công tác cân đối ngân sách thực sự khó khăn vì nhiều hoạt động liên quan sản xuất, kinh doanh, như tốc độ đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới… đều không bằng các năm trước.

Thực tế này khiến tốc độ tăng thu ngân sách 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ mọi năm, tỷ lệ thu ngân sách 5 tháng đầu năm so với dự toán cũng không bảo đảm.

Từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông có lời khuyên gì với tân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trong việc bảo đảm cân đối ngân sách trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Kinh nghiệm cho thấy, cứ ở đâu chính quyền địa phương coi việc thu ngân sách cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, chứ không phải là việc riêng của ngành thuế, ngành hải quan, thì ở đó thu ngân sách thường rất tốt và ngược lại.

Khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm nào tôi cũng gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp với ngành tài chính trong việc thu ngân sách; chỉ đạo sở tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc chống thất thu.

Tất nhiên, cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp phải luôn ý thức rằng, thu ngân sách là nhiệm vụ chính yếu của mình, phải là nòng cốt, nên phải chủ động thực hiện hoặc chủ động kiến nghị, đề xuất các giải pháp bảo đảm thu, chống thất thu lên các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền địa phương.

Còn năm nay, trước rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cân đối ngân sách, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị yêu cầu các địa phương phải vào cuộc trong việc thu ngân sách, chống thất thu ngân sách.

Để bảo đảm cân đối ngân sách, ngành thuế phải rất quan tâm đến chống thất thu, nợ đọng thuế và rà soát nhiều khoản thu có thể thu được, thưa Phó thủ tướng?

Đúng vậy. Thất thu thuế và nợ đọng thuế ở nước nào cũng có, chứ không riêng gì Việt Nam. Không phải chỉ có DN nhỏ, DN trong nước mới trốn thuế, mà ngay cả những tập đoàn hàng đầu thế giới cũng cố tình gian lận thuế bằng nhiều cách để giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp tài chính cho nước sở tại, nơi mà họ đầu tư, kinh doanh. Chính vì vậy, chống gian lận thuế, chống nợ đọng thuế phải luôn luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc chống nợ đọng, chống thất thu phải xử lý phải rất cụ thể đối với từng DN. Đơn vị nào cố tình nợ đọng, cố tình gian lận thì phải kiên quyết thu hồi, áp dụng các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế đã được quy định cụ thể tại Luật Quản lý thuế và Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013. Ngược lại, đơn vị nào nợ thuế do khó khăn thực sự thì phải tìm giải pháp tháo gỡ làm sao để trước mắt họ khôi phục được hoạt động, sau đó mở rộng hoạt động thì ngân sách mới tăng thu một cách vững chắc.

Thế còn việc điều chỉnh một số khoản thu có thể thu được thì sao, thưa Phó thủ tướng?

Hiện còn nhiều khoản thu vẫn có khả năng tăng thu được, nên phải tiến hành rà soát để điều chỉnh. Ví dụ, như khoản thu từ thuế xuất khẩu tài nguyên thô chẳng hạn. Mặc dù Bộ Tài chính mới điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng khoáng sản (kể từ ngày 9/6/2013, thuế xuất khẩu mangan, đồng, chì, kẽm và tinh quặng của những loại khoáng sản phải chịu thuế xuất khẩu 40%, thay vì mức 30% như hiện nay), nhưng tôi cho rằng, vẫn cần phải tiếp tục rà soát để điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng khoáng sản để vừa bảo đảm hạn chế xuất khẩu thô, vừa tăng thu cho ngân sách.

Tất nhiên, không nên điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng khoáng sản quá cao, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người lao động.

Hay như thuế nhập khẩu xăng dầu cũng vậy. Nhiều năm nay mình giữ thuế nhập khẩu xăng dầu rất thấp, trong đó có nhiều giai đoạn áp thuế nhập khẩu xăng dầu 0 - 10%, trong khi mức trần thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này lên tới 40%. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cần phải theo dõi chặt chẽ giá xăng dầu trên thị trường thế giới, tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước để điều chỉnh thuế nhập khẩu linh hoạt để vừa bảo đảm tăng thu cho ngân sách, vừa bảo đảm lợi ích của người dân và sức chịu đựng của DN.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư