Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Rà soát doanh nghiệp FDI sắp hết hạn hoạt động
Hàn Tín - 27/04/2013 09:32
 
 Sửa đổi Luật Doanh nghiệp để duy trì hoạt động của doanh nghiệp FDI, nhằm tạo môi trường ổn định cho hoạt động sản xuất - kinh doanh lần thiết, song cũng phải rà soát lại những doanh nghiệp FDI cố tình không tuân thủ pháp luật Việt Nam trong số 3.000 DN FDI chưa đăng ký lại.
TIN LIÊN QUAN

Theo quy định hiện hành, DN FDI thành lập trước ngày 1/7/2006 phải đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động chậm nhất là ngày 1/8/2014; nếu không đăng ký lại thì DN chỉ được quyền hoạt động trong phạm vi ngành nghề và thời gian ghi trong Giấy phép đầu tư.

Với quy định này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, DN FDI đã gặp phải vướng mắc là không được bổ sung ngành nghề kinh doanh; không được gia hạn dự án đầu tư mà chỉ được hoạt động trong thời hạn quy định tại Giấy phép đầu tư (thường có thời hạn 20 năm). Hết thời hạn, DN FDI buộc phải chấm dứt hoạt động và giải thể.

“Có nhiều nguyên nhân dân đến tình trạng DN FDI không thực hiện thủ tục đăng ký lại, như một số DN không nghiêm túc chấp hành pháp luật; trình độ hiểu biết pháp luật Việt Nam của DN FDI còn hạn chế…”, ông Đông cho biết.

Theo ông Đông, tình trạng DN FDI không thực hiện thủ tục đăng ký lại thuộc trách nhiệm của DN, nhưng lại gây một số tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư, do nhiều DN đang đứng trước nguy cơ phải chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi kết thúc thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến đầu năm 2013, chỉ có khoảng 3.000 trong tổng số 6.000 DN FDI đã hoàn thành thủ tục đăng ký lại.

Tại TP.HCM có tới 800 DN FDI chưa đăng ký lại, trong đó có 27 DN với tổng vốn điều lệ ước vào khoảng 634,4 triệu USD đã hết thời gian hoạt động từ năm 2012.

“Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải xem xét duy trì hoạt động của DN FDI nhằm tạo môi trường ổn định cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm việc làm cho hàng vạn lao động và giải quyết các vấn đề xã hội khác”, ông Đông cho biết.

Với những lý do nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp theo hướng, kể từ ngày 1/7/2013 sẽ không ấn định thời gian bắt buộc DN FDI phải đăng ký lại mà cho phép DN được lựa chọn đăng ký lại hay không đăng ký lại, đăng ký lại tại bất kỳ thời điểm nào mà DN thấy phù hợp, DN không đăng ký lại vẫn tiếp tục được hoạt động theo Giấy phép đầu tư.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc băn khoăn: “Nếu không sửa luật thì có một nửa số DN FDI không có cơ sở để tiếp tục hoạt động, ngược lại thì cơ quan quản lý nhà nước “ăn nói thế nào” với 3.000 DN chấp hành đúng pháp luật.

Ông Phúc đồng tình với quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải trình Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp, song theo ông cũng cần phải rà soát lại số 3.000 DN FDI chưa đăng ký lại.

“Phải rà soát lại số DN chưa đăng ký lại xem họ đóng góp những gì cho nền kinh tế Việt Nam, DN nào từ khi hoạt động đến nay chỉ toàn lỗ và lỗ, DN nào chuyển giá, DN nào trốn thuế… Với những DN này thì cần phải loại bỏ để làm trong sạch môi trường đầu tư và tăng tính tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN nói chung, DN FDI nói riêng”, ông Phúc đề xuất.

“Chúng ta đã từng từ chối dự án FDI trị giá hàng tỷ USD vì nó không mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, cho người dân. Vì thế, chúng ta cũng phải loại bỏ những DN FDI cố tình không chấp hành pháp luật, hoạt động sản xuất - kinh doanh thua lỗ, trốn thuế, chuyển giá. Bởi vậy, nếu cho tất cả DN không đăng ký lại được tiếp tục hoạt động thì họ sẽ coi thường pháp luật, vì họ không chấp hành pháp luật vẫn được phép tồn tại”, ông Phúc nói thêm.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, ông Lò Văn Muôn bày tỏ quan điểm không đồng tình việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp chỉ vì những DN FDI cố tình vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật Việt Nam.

Ông Muôn cho rằng, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đền bù, giải phóng mặt bằng hiện có tình trạng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành đúng pháp luật thì bị thiệt hại, ngược lại nếu cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật lại được hưởng lợi.

“Không thể vì một số DN FDI “coi thường phép nước”, cố tình không chấp hành pháp luật mà chúng ta lại đi hợp pháp hóa sự vi phạm pháp luật của họ. Vì thế, nếu cần thì chúng ta gia hạn thời gian đăng ký lại chứ không nên sửa luật”, ông Muôn phát biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư