Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ráo riết M&A để thoát án sở hữu chéo
Hà Tâm - 26/11/2014 08:31
 
Nhiều ngân hàng đang rậm rịch mua bán để thoát “án” sở hữu chéo trước thềm quy định mới của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Còn nguy cơ thao túng hoạt động ngân hàng
Sở hữu chéo vẫn “làm méo” ngân hàng
Ẩn số tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu Southern Bank - Sacombank
M&A ngân hàng 2014: Vẫn chỉ là con số không!
Hậu M&A, HDBank đã thành một khối thống nhất
Sáp nhập Southern Bank, cú thoát xác tuyệt đỉnh của ông Trầm Bê?

Nhiều ngân hàng sắp phạm luật

Theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa 2 tổ chức tín dụng khác, đồng thời tỷ lệ nắm giữ ở mỗi tổ chức tín dụng không được quá 5%. Các ngân hàng chỉ được “phá rào” quy định trên trong trường hợp mua cổ phiếu để tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho ngân hàng yếu, trên cơ sở được NHNN chỉ định hoặc chấp thuận.

  Ráo riết M&A để thoát án sở hữu chéo  
  Vietcombank hiện sở hữu cổ phần của 5 tổ chức tín dụng. Ảnh: Đức Thanh  

Trên thị trường, hiện có rất nhiều ngân hàng đang sở hữu quá 5% vốn cổ phần tại ngân hàng khác và tình trạng một tổ chức tín dụng nắm giữ cổ phần của 4 - 5 tổ chức tín dụng khác không phải là hiếm.

Đơn cử, Vietcombank đang sở hữu cổ phần của 5 tổ chức tín dụng, trong đó có 4 ngân hàng và một công ty tài chính, bao gồm: MB, OCB, Eximbank, Saigonbank và Công ty cổ phần Tài chính Xi măng.

Tỷ lệ nắm giữ của Vietcombank tại các tổ chức tín dụng trên đa số đều vượt mức 5% (ngoại trừ tại Saigonbank là 4,3%). Cụ thể, tỷ lệ nắm giữ của Vietcombank tại MB là 9,6%, tại OCB là 5,1%, tại Công ty Tài chính Xi măng là 10,9%, tại Eximbank là 8,2%.

Tương tự, chiểu theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, một loạt ngân hàng như VietinBank, ABBank, Techcombank, Maritime Bank… cũng sắp “vượt rào” quy định về tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, VietinBank đang sở hữu 10,4% Saigonbank; ABBank sở hữu 8,4% EVN Finance;

Techcombank sở hữu 10% Công ty cổ phần Tài chính Hóa chất Việt Nam; Maritime Bank sở hữu 9,9% MB, 10,2% MDB và 11% tại Công ty Tài chính Dệt may.

Theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng nếu có tỷ lệ sở hữu vượt mức quy định sẽ phải xây dựng phương án xử lý, trong đó có biện pháp và kế hoạch thoái vốn trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ khi Thông tư có hiệu lực.

Tình trạng sở hữu chéo được coi là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay, là nguyên nhân khiến tình trạng lũng đoạn, thao túng xảy ra tại một số ngân hàng thời gian qua. Vì vậy, việc ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, theo các chuyên gia, là rất cần thiết để siết lại sở hữu chéo.

M&A hay thoái vốn?

Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/2/2015. Như vậy, chỉ còn 15 tháng nữa để các ngân hàng đưa tỷ lệ sở hữu về mức cho phép. Một trong các giải pháp được các ngân hàng tính đến nhiều nhất là mua bán, sáp nhập.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch “dọn dẹp” sở hữu chéo. Đơn cử, Maritime Bank đã lên phương án sáp nhập cả MDB lẫn Công ty Tài chính cổ phần Dệt may - hai đơn vị mà Maritime Bank đang sở hữu 10 - 11% cổ phần.

Được biết, cả hai phương án sáp nhập này của MDB đã được NHNN chấp thuận về mặt chủ trương. Tuy nhiên, khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực, Maritime Bank vẫn sẽ phải thoái bớt vốn khỏi MB để đưa tỷ lệ sở hữu về mức 5%.

Tương tự, để “hóa giải” bài toán sở hữu chéo, đồng thời  nhằm phát triển mảng tín dụng tiêu dùng, Techcombank cũng đang lên phương án mua lại Công ty Tài chính Hóa chất, đơn vị mà Techcombank sở hữu 10% cổ phần. Đề nghị của Techcombank cũng đã được NHNN “xử lý”.

Áp lực thoái vốn nặng nề nhất là Vietcombank. Hiện tại, Vietcombank sở hữu cổ phần tại 5 ngân hàng và lượng cổ phần nắm giữ tại các ngân hàng đều rất lớn. Nhiều thông tin cho rằng, để giảm sở hữu chéo, khả năng Vietcombank sẽ mua lại Công ty cổ phần Tài chính Xi măng và thoái vốn tại một số ngân hàng khác.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc siết chặt sở hữu chéo để “làm sạch” hệ thống ngân hàng là cần thiết. Tất nhiên, phải cho các ngân hàng một lộ trình thoái vốn, song cũng cần tiến hành kiên quyết, bởi càng để lâu, càng khó xử lý.

Còn ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) khẳng định, việc giới hạn sở hữu cổ phần ở mức 5% sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, bao gồm cả thao túng và lũng đoạn ngân hàng.

Cũng theo ông Phạm Huyền Anh, không chỉ giới hạn tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng tại tổ chức tín dụng khác, mà NHNN cũng quy định rất chặt về tỷ lệ nắm giữ của từng cổ đông tại các ngân hàng. NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để nắm bắt việc nhà đầu tư mua, nắm giữ cổ phần như thế nào, lấy tiền ở đâu, tỷ lệ sở hữu của họ tại các ngân hàng ra sao, để từ đó ngăn ngừa và hạn chế hiện tượng lũng đoạn ngân hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư