Thứ Tư, Ngày 09 tháng 07 năm 2025,
Tín dụng ngân hàng và bài toán cân bằng rủi ro - tăng trưởng
H.T - 09/07/2025 15:15
 
Chuyển sang cơ chế quản lý tín dụng mang tính thị trường là bước đi tất yếu, nhưng các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh này cần được thực hiện với sự thận trọng cao độ, nhằm đảm bảo ổn định hệ thống và tránh lặp lại vết xe đổ.
f
Việt Nam đang thuộc nhóm nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới.  

Bỏ "room" tín dụng: Cần nhưng phải thận trọng

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng, thay vào đó cần theo nguyên tắc thị trường.

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng (room tín dụng) đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ năm 2012, là công cụ để cơ quan này kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thực tế cho thấy việc điều hành tín dụng theo hạn mức tăng trưởng đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, kiểm soát lạm phát và giữ ổn định hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước điều chỉnh, cải tiến cách điều hành tín dụng để tiệm cận các chuẩn mực thị trường. Đến đầu năm nay, việc cấp hạn mức này chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại, trong khi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức phi tín dụng đã được "cởi bỏ".

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, bỏ hạn mức tín dụng là một bước đi cần thiết để 'tính thị trường được nâng lên', nhưng lộ trình này cần được thực hiện rất thận trọng, có đánh giá đầy đủ và hệ thống công cụ giám sát đi kèm.

Bởi khi bỏ room, các ngân hàng thương mại sẽ được toàn quyền chủ động trong kế hoạch tăng trưởng tín dụng, theo chiến lược kinh doanh riêng. Đồng nghĩa, thị trường tín dụng sẽ vận hành theo quy luật cung - cầu. Bài học từ lịch sử khủng hoảng kinh tế cách đây hơn thập kỷ vẫn còn nguyên giá trị. Sau 13 năm, tình hình đã có nhiều thay đổi nhưng dư âm của giai đoạn trước vẫn khiến một số ngân hàng thương mại chưa thể đạt chuẩn quản trị theo thông lệ quốc tế.

Theo đó, chuyên gia này cho rằng, trong lộ trình bỏ "room", nếu vẫn áp dụng một số mức tăng trưởng tín dụng nhất định, nên ưu tiên phân bổ cho các ngân hàng có hệ số an toàn cao, quản trị tốt, chấp hành nghiêm quy định và hoạt động hiệu quả.

Chia sẻ với báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn - mới đây, GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP HCM nêu quan điểm, thay vì bỏ room hoàn toàn hoặc tiếp tục siết cứng, có thể đặt vấn đề: Làm sao điều hành tín dụng theo hướng thị trường, nhưng vẫn bảo toàn được kỷ luật tài chính và mục tiêu chính sách công?

Từ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia này cho rằng có thể phác họa một bộ cơ chế truyền dẫn điều kiện hóa, với ba trụ cột gồm: room có điều kiện, chỉ số độ lệch dòng vốn khỏi mục tiêu chính sách, hệ thống tín dụng 'màu hoá'.

"Nếu bỏ room mà không cam kết minh bạch, thì ai sẽ giám sát sự minh bạch đó và liệu thị trường khó kịp nhận ra những thay đổi, trong khi kỳ vọng đã chai lì bởi thói quen cũ", GS.TS Trần Ngọc Thơ nêu vấn đề.

Bài toán cân bằng cho tăng trưởng

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho biết, tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm ngoái. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, mức tăng này là cao nhất từ năm 2022 và gấp 2,5 lần tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2024.

Tín dụng tiếp tục trở thành trụ đỡ chính về dòng vốn cho nền kinh tế, nhưng cũng đồng thời để lại một bài toán cho công tác điều hành. 

Tại phiên chất vấn Quốc hội giữa tháng 6, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra cảnh báo về tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 134% - con số cao kỷ lục, đồng thời cũng cho thấy tín dụng ngân hàng hiện đang “gánh” một phần rất nặng trong cấu trúc vốn của nền kinh tế. Từ đầu tư sản xuất, tiêu dùng đến các dự án hạ tầng lớn, vốn trung và dài hạn đều đang đổ dồn về kênh tín dụng ngân hàng. Ở các nước phát triển, ngân hàng chỉ đóng vai trò chủ chốt trong cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Với cầu vốn trung, dài hạn, doanh nghiệp phải huy động thông qua thị trường vốn. 

Box: Ông Phan Linh – CEO Công ty CP TechProfit:

Bỏ room tín dụng là xu thế đúng, nhưng phải đi kèm kỷ luật quản trị và giám sát đủ mạnh. Nếu không, rủi ro quay lại thời tín dụng nóng là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu bỏ room mà thiếu công cụ kiểm soát thay thế, các ngân hàng sẽ chạy đua cho vay để tối đa hóa lợi nhuận, vốn dễ chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Khi đó, áp lực lạm phát, tỷ giá có thể quay lại, bong bóng tài sản dễ hình thành. Điều này rất đáng lo trong bối cảnh vẫn còn nhiều ngân hàng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quản trị quốc tế như Basel II, Basel III.

Tỉ lệ tín dụng/GDP ở mức cao kỷ lục ở nước ta không chỉ là con số kỹ thuật mà là dấu hiệu của mô hình tăng trưởng lệ thuộc vào bơm vốn hơn là nâng cao hiệu suất. Những năm gần đây, để có thể mang lại 1 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ cần trung bình hơn 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng. Như năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%.

Chính người đứng đầu ngành ngân hàng cũng chỉ ra, chỉ số ICOR - phản ánh hiệu quả sử dụng vốn - của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước, cho thấy đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa tương xứng.  

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng tổng thể lúc này sẽ cần sự hài hoà, phù hợp với đặc thù của kinh tế Việt Nam, làm sao vừa tăng tính tự chủ cho các tổ chức tín dụng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Bài học từ giai đoạn 2008 - 2010, thực tế, vẫn còn nguyên giá trị. Khi nền kinh tế đối mặt khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam từng thực hiện nhiều gói nới lỏng tín dụng để giữ đà tăng trưởng. Nhưng hệ quả là một chu kỳ lạm phát, bất ổn tỷ giá, bong bóng tài sản và nợ xấu kéo dài nhiều năm sau đó.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư