Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Rút ngắn thời gian, thủ tục đưa điện tới doanh nghiệp
Thanh Hương - 02/10/2014 20:24
 
() Thủ tục hành chính nào trong lĩnh vực Bộ Công thương quản lý gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp thì phải nhanh chóng sửa đổi để tạo thuận lợi cho phát triển. Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc làm việc với Bộ Công thương chiều nay, 2/10.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Việt Nam không "hội nhập vị hội nhập"
Công nghiệp hỗ trợ chờ cú hích từ nghị định mới
Bộ Công thương: DN thép lo phá sản là không có căn cứ
Công khai mức lương "khủng" của nhiều sếp lớn
DN cơ khí đấu thầu dự án công: Bị loại “từ vòng gửi xe”
Dự án điện chậm tiến độ bị phạt hàng trăm ngàn đô

Về yêu cầu này của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, trong ít ngày tới một thủ tục hành chính do Bộ Công thương quản lý là tiếp cận điện của doanh nghiệp sẽ có các hướng dẫn mới nhằm rút ngắn thời gian có điện với doanh nghiệp. 

  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Bộ công thương 2/10
  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, thủ tục hành chính nào trong lĩnh vực Bộ Công thương quản lý gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp thì phải nhanh chóng sửa đổi để tạo thuận lợi cho phát triển  

Báo cáo với Thủ tướng, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sau khi nghiên cứu EVN nhận thấy, với khách hàng dùng điện trung áp, quy trình tiếp cận điện hiện nay có thể giảm xuống còn 11 bước so với 13 bước quy định và thời gian chỉ còn 37 ngày so với 115 ngày quy định và chỉ bằng các hướng dẫn của Bộ Công thương.

Với thực tế doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư nhà máy nhưng lại tốn nhiều thời gian và công sức để có được điện phục vụ cho sản xuất như quy định hiện hành thì việc giảm các thủ tục hành chính không cần thiết được Thủ tướng rất quan tâm.

"Làm các vấn đề thiết thực cho doanh nghiệp phát triển", cũng là câu chuyện được Thủ tướng nhấn mạnh trong buổi làm việc này, bởi ngành công thương có vai trò rất quan trọng tới sự phát triển của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, chỉ số công nghiệp toàn ngành 9 tháng tăng 6,7%, cao hơn mức 5,4% của cùng kỳ 9 tháng năm 2013 so với năm 2012.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 109,63 tỷ USD, bằng 75,4% mục tiêu kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) là 67,2 tỷ USD, tăng 14,6%, nếu tính cả dầu thô thì đạt 73 tỷ USD. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn trong nước đạt 36,4 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 9 tháng có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước là hạt tiêu và hoa quả.

Về kim ngạch nhập khẩu, trong 9 tháng đã đạt 107,16 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 9,8%, chiếm tỷ trọng 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Cũng trong 9 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư toàn ngành công thương đã đạt 282,043 nghìn tỷ đồng, trong đó khối sản xuất kinh doanh là 281,742 nghìn tỷ đồng với 277,7 nghìn tỷ đồng thuộc về các Tập đoàn, Tổng công ty 91.

Với kết quả đã đạt được này, ngành công thương có nhiều hy vọng sẽ về đích cao hơn so với kế hoạch được đặt ra cho năm 2014.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, những tháng còn lại của năm sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng với các yếu tố khả quan. Đó là doanh nghiệp trong nước đang gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất cho thấy sự chuẩn bị cho việc hoàn thành các đơn hàng đã ký kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu từng bước phát huy tác dụng, các hoạt động xúc tiến bán hàng trên thị trường nội địa cũng được tích cực triển khai góp phần tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho. Dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp có thể tăng cao mức 7% trong năm 2014, hoạt động thương mại tiếp tục xuất siêu 1,5 tỷ USD và là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu.

Đánh giá cao kết quả của ngành công thương đã đạt được trong 9 tháng đầu năm khi  đều có bước tăng trưởng, đạt được kết quả cao hơn cùng kỳ cho thấy khả năng đạt và vượt kế hoạch đặt ra cho ngành công thương năm 2014 là khả thi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng không quên nhắc nhở ngành công thương không ngừng phấn đấu trong những tháng còn lại của năm.

"Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhập siêu của Việt Nam là 12 tỷ USD, nhưng sau 7 năm hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển, vươn lên và đã xuất siêu", Thủ tướng nhận xét và nhấn mạnh, cần tiếp tục đưa ra các chính sách, cơ chế để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời tiếp tục theo đuổi cơ chế thị trường với các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu để ngân sách không phải bù lỗ và minh bạch các hoạt động liên quan đến những mặt hàng này để người dân có đầy đủ thông tin.

Thủ tướng cũng cho biết, trong số 6 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang đàm phán với các đối tác hiện nay, có thể trong năm 2014 sẽ ký được 3 FTA với châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan. Các FTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội, ưu đãi như thuế giảm về 0% và có hiệu lực ngay. Đó là cơ hội để hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đi xa và nhiều hơn nữa, góp phần tạo ra tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế.

Tuy nhiên để góp phần cho tăng trưởng ổn định trước những cơ hội mới đang được mở ra này, việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành công thương thông qua hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phân bố nguồn lực tốt hơn phải được tiến hành nhanh chóng và đồng bộ cũng là vấn đề được Thủ tướng đặc biệt lưu ý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư