Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
Sẵn sàng nắm bắt cơ hội
Nguyên Đức - 26/01/2019 09:31
 
Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội đó.
Trong chương trình tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 tại Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì buổi đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Trong chương trình tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 tại Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì buổi đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Việt Nam - “vịnh tránh bão” an toàn

Một nhận định đáng chú ý vừa được Hãng truyền thông Bloomberg đưa ra, đó là Việt Nam đang lặng lẽ khẳng định vị thế là “một vịnh tránh bão” cho những doanh nghiệp sản xuất lo ngại trở thành “nạn nhân” của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trên thực tế, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, rất nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ bối cảnh này. Sẽ có nhiều công ty tìm đến Việt Nam để “trú ẩn”, và đó là một địa điểm đầu tư hấp dẫn, bởi chi phí sản xuất rẻ hơn, vị trí địa lý thuận lợi, lại đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, kinh tế tăng trưởng ổn định… Thậm chí, theo xếp hạng của Natixis SA, Việt Nam đứng đầu trong nhóm 7 nước mới nổi châu Á về địa điểm sản xuất.

Thực ra, không phải tới khi chiến tranh thương mại nổ ra, Việt Nam mới là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Việc trong hơn 30 qua, Việt Nam đã thu hút được trên 340 tỷ USD vốn FDI đã chứng minh điều này.

Hơn thế, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) và có cuộc gặp gỡ với các tập đoàn lớn trên toàn cầu vào ngày hôm qua (24/1, theo giờ Việt Nam), các thông tin đều cho thấy, ngày càng nhiều tập đoàn lớn “để mắt” tới Việt Nam. Apple, AB Inbev, Procter & Gamble, Adidas, Facebook, Sanofi, Carlsberg… là những cái tên được nhắc tới trong sự kiện này.

Đáp lời các tập đoàn và cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những nơi “trú ẩn” đầu tư tốt nhất trong thế giới đầy biến động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư đến Việt Nam. “Việt Nam luôn mở cửa chào đón các bạn”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng thậm chí đã nói với vị CEO lừng danh của Tập đoàn Apple rằng, Chính phủ Việt Nam ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu của Apple tại Việt Nam và mong muốn, Apple tiếp tục đầu tư hiệu quả, minh bạch và lâu dài tại Việt Nam; là cầu nối để doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Khoảng 3 năm trước, có thông tin cho biết, Apple dự định đầu tư tới 1 tỷ USD để xây dựng Trung tâm Dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chưa có nhiều thông tin liên quan đến kế hoạch này. Nếu Apple thực sự đầu tư tại Việt Nam, thì đó sẽ là một “tiếng vang” lớn trên thị trường đầu tư toàn cầu. Khi đó, hẳn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nữa tìm đến Việt Nam.

Sẵn sàng nắm bắt cơ hội

“Chúng tôi sẵn sàng nắm bắt cơ hội”. Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Hãng truyền thông Bloomberg ngay trước khi lên đường sang Davos dự Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Cơ hội ở đây không chỉ là trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà cả trong thu hút FDI. Để thu hút FDI, Thủ tướng đã có các cuộc tiếp xúc với các tập đoàn lớn trên toàn cầu. Và để tận dụng các cơ hội từ sự biến đổi không ngừng của thế giới, Thủ tướng đã có buổi đối thoại với các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0”.

Một lần nữa, tại Davos, Thủ tướng đã nhấn mạnh câu chuyện Việt Nam đã trở thành “một trong những công xưởng của thế giới”, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu, như Samsung, LG, Toyota, Exxon Mobil, GE…

Nhưng điều quan trọng hơn, Việt Nam đang mong muốn đón nhận các cơ hội do cách mạng 4.0 mang lại. “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”. “Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy.

Trên thực tế, để sẵn sàng đón nhận các cơ hội mới, đặc biệt là các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, bên cạnh xây dựng Chiến lược Quốc gia về 4.0, thì chiến lược mới trong thu hút FDI cũng đang được Chính phủ Việt Nam hoàn thiện để trình Bộ Chính trị thông qua và ban hành một nghị quyết liên quan đến vấn đề này.

Một trong những điểm đáng chú ý trong việc chủ động chuyển hướng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI trong thời gian tới là Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, thu hút đầu tư vào những ngành, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu, chú trọng đón đầu xu hướng mới về đầu tư quốc tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh tiếp tục thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D)…, Việt Nam sẽ coi trọng các ngành công nghiệp công nghệ tương lai, như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), phân tích dữ liệu lớn…

Trong khi đó, tại Davos, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, từ đó kết nối với các trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Mỹ, EU. Thực hiện hợp tác này, Việt Nam sẽ là tâm điểm về chính sách 4.0 ở khu vực.

Như vậy, bằng hành động, Việt Nam đang “sẵn sàng nắm bắt cơ hội”, không chỉ trong chuyển mình phát triển kinh tế, mà cả trong thu hút FDI.

Bước ngoặt lớn trong chiến lược thu hút FDI
Lần đầu tiên, Bộ Chính trị sẽ có một nghị quyết riêng về định hướng chiến lược trong thu hút, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư