Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút FDI
Anh Trung - 21/01/2019 09:16
 
Kết quả ấn tượng trong thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn, đang đặt ra những cơ hội và thách thức trong việc sử dụng nguồn vốn này.

Cơ hội đan xen thách thức

Những cơ hội mới trong thu hút đầu tư được cho là đang mở ra đối với Việt Nam, khi các đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tiếp tục duy trì các chính sách đầu tư ra nước ngoài. Hay các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu, cả đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua nước thứ ba, cũng đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì đây được xem là cơ hội để Việt Nam đi tắt, đón đầu, bắt kịp với các nước phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh xuất phát từ nội tại của nền kinh tế đất nước, như tình hình chính trị - xã hội ổn định, chi phí sản xuất cạnh tranh, thị trường tiêu thụ tăng trưởng tốt, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện…

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đang rất quyết liệt trong cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nói chung và thủ tục đầu tư nói riêng theo hướng đơn giản, minh bạch hơn.

“Đây là yếu tố rất hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Thứ trưởng Thắng nhìn nhận.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, những xung đột về thương mại, đầu tư giữa các quốc gia, những biến động thương mại khó lường trên thế giới cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam.

Những thách thức đó có thể đến từ bên ngoài, như sự cạnh tranh mạnh mẽ của các quốc gia, từng mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu hay rủi ro về công nghệ và môi trường...

Cùng với đó là những thách thức từ yếu tố nội sinh, như mô hình tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên; thị trường các yếu tố đầu vào cho sản xuất vận hành chưa hiệu quả, gây nhiều khó khăn trong việc định vị Việt Nam là điểm đến cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

“Môi trường đầu tư, kinh doanh dù liên tục được cải thiện, nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định so với các nước trong khu vực, như hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực, năng suất lao động. Xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng cho trong nước và phát triển công nghiệp phụ trợ tiếp tục là những thức của Việt Nam trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Thắng nói.

Nâng cao hiệu quả dòng vốn

Cũng tại Diễn đàn, đồng quan điểm với Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) nhận định, Việt Nam đang tiếp tục trở thành một trung tâm sản xuất, điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ tăng vốn, mà còn tạo hàng triệu việc làm, đồng thời đóng góp quan trọng cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Ousmane cho rằng, Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của thế giới chưa sâu, nên chưa gặt hái được lợi ích từ việc mở cửa với bên ngoài cho doanh nghiệp.

Đáng lo hơn, theo ông Ousmane Dione, tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam đã giảm theo thời gian, với giá trị nội địa sản phẩm điện tử hiện chỉ chiếm 40%, còn lại 60% là nguyên liệu nhập khẩu. Điều này cho thấy, Việt Nam chủ yếu vẫn lắp ráp, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp.

Giám đốc WB đánh giá, Việt Nam đang thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Thậm chí, ông còn đưa ra minh chứng rằng, hiện chỉ có 9% doanh nghiệp trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng, trong khi con số này của các doanh nghiệp nước ngoài là 50%.

Trong 6 khuyến nghị dành cho Việt Nam, ông Ousmane Dione đề nghị các ngành chức năng Việt Nam nâng cao giá trị doanh nghiệp trong nước để kết nối, tận dụng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài và chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ về việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại, ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, điểm mấu chốt là phải tìm được tiếng nói chung giữa các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách với các thành phần kinh tế. Các bên phải cùng nhìn về một lợi ích chung, bền vững nhất cho nền kinh tế.

“Chúng ta đặt vấn đề về củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, nhưng theo tôi, mối liên kết này đã có sẵn. Không một doanh nghiệp nào có thể thực hiện hết mọi công đoạn trong kinh doanh. Bạn sẽ cần hợp tác với nhà phân phối, nhà cung cấp, nông dân, cơ quan quản lý nhà nước… để cùng đạt mục đích chung với tinh thần đôi bên cùng có lợi”, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ quan điểm.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh tình hình mới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế. Đồng thời, thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ nguyên tắc đa phương hóa, đa dạng hóa nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nắm bắt kịp thời cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, các hình thức thu hút đầu tư mới, tận dụng tối đa các cơ hội nhằm tạo bước đột phá trong thu hút các nhà đầu tư nắm giữ công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Thu hút FDI: Quy định mới, cục diện mới
Chiến lược thu hút vốn FDI từ nay tới năm 2030 với nhiều điểm mới đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư