Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Sản xuất, kinh doanh vào đà bứt tốc
Mạnh Bôn - 16/11/2023 08:57
 
Phân tích toàn cảnh bức tranh sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất - nhập khẩu 10 tháng của năm 2023, bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng, kinh tế đang vào đà bứt tốc, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra, cần sớm có giải pháp.
Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) 

Thưa bà, căn cứ nào để cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang vào đà bứt tốc?

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê dự báo, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi vào quý III và sẽ bứt tốc vào quý IV. Kết quả không ngoài dự đoán.

Số liệu tháng 10/2023 cho thấy, trong tháng, số doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký, sử dụng lao động đã tăng lần lượt 21,7%, 7,4% và 64,3% so với tháng trước đó và tăng tương ứng 18,5%, 17,7% và trên 71% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 tăng 5,5% so với tháng 9 và tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các địa phương là trung tâm công nghiệp đều có IPP tăng rất cao như Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên, Thái Nguyên…

Vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả vốn đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh và đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần 10 tháng của năm nay đạt gần 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 vừa qua tăng 1,5% so với tháng 9 và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Còn hoạt động ngoại thương, tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng hơn 4% so với tháng 9 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hai tháng còn lại của năm 2023 sẽ ra sao, thưa bà?

Vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng, bởi đây là 2 tháng cuối năm nên bao giờ thị trường nội địa cũng sôi động. Khi đầu ra được tháo thì hoạt động sản xuất, kinh doanh tất yếu phát triển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là hoạt động du lịch, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình. Những hoạt động dịch vụ này nhộn nhịp, kéo theo hàng loạt hoạt động sản xuất, kinh doanh khác tăng theo. Trong đó, đáng lưu ý là hoạt động du lịch thu hút khách quốc tế. Trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã thu hút được 1,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 5,5% so với tháng trước và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng của năm, đã có gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, số khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Tức là, chúng ta còn rất nhiều dư địa để thu hút khách du lịch quốc tế gấp nhiều lần nữa.

Khi chúng ta đón được 30-35 triệu lượt du khách nước ngoài thì nhiều hoạt động liên quan khác như nhà hàng, khách sạn, ăn uống, sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ... cũng tăng theo. Đây chính là hoạt động xuất khẩu gián tiếp, có hiệu quả hơn xuất khẩu trực tiếp rất nhiều vì chúng thu được cả thuế giá trị gia tăng lẫn thuế tiêu thụ đặc biệt từ du khách.

Thế còn hoạt động sản xuất thì sao?

Nếu như bằng giờ này năm ngoái, Tổng cục Thống kê toàn nhận được số liệu không vui khi các địa phương báo cáo số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, không ký được đơn hàng mới, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, số lượng người lao động thiếu việc, mất việc, thất nghiệp gia tăng, thì năm nay ngược lại. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải hình ảnh nhiều công nhân được tăng ca, doanh nghiệp tuyển lao động trở lại đã nói lên tất cả.

Bà có nghĩ rằng, sự tăng trưởng này không vững chắc và hoàn toàn có thể đảo chiều?

Tôi không dám võ đoán để đưa ra nhận định, nhưng tôi có thể đưa ra một vài số liệu để các chuyên gia kinh tế có thể bình luận, nhận định.

Trong 10 tháng của năm nay, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4,7% về số lượng, nhưng giảm trên 12% về vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 9,2 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp đang hoạt động cũng chỉ đăng ký vốn bổ sung 1.648.700 tỷ đồng, giảm đến 41% so với 10 tháng của năm 2022. Số liệu đã cho thấy, doanh nghiệp nội địa càng ngày càng nhỏ đi, thậm chí còn nhỏ hơn 10-15 năm trước nếu trừ đi lạm phát. “Có bột mới gột lên hồ”, trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay mà doanh nghiệp “hẻo” vốn thì cạnh tranh với ai được.

Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới từ đầu năm đến nay tăng hơn 66%, nhưng vốn đăng ký chỉ tăng 54%, nghĩa là ngay cả doanh nghiệp FDI cũng nhỏ đi. Chưa kể, chúng ta thu hút vốn FDI từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng 6 nền kinh tế gồm Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản đã chiếm 85,7% tổng vốn FDI. Theo đó, bất cứ quốc gia nào có sự biến động, giảm dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, thì ngay lập tức nguồn vốn này vào Việt Nam sẽ bị giảm. 

Rất nhiều nhà đầu tư Âu - Mỹ gần đây đã tìm đến Việt Nam, nhưng thưa bà, đến nay chưa dự án lớn nào được triển khai?

Theo tôi được biết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao môi trường đầu tư, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, nhưng họ chưa mạnh dạn “xuống tiền” chắc đang chờ ứng xử của Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu được nhiều quốc gia thực hiện kể từ năm 2024. Nếu Việt Nam không có hướng giải quyết tương ứng với số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ phải nộp bổ sung cho đủ tối thiểu 15%, thì một trong những lợi thế rất lớn của Việt Nam trong thu hút FDI là ưu đãi miễn, giảm thuế sẽ bị vô hiệu. Khi đó, lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn FDI bị giảm và nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc lại quyết định đầu tư.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải sớm có các chính sách để “hóa giải” thuế tối thiểu toàn cầu trên tinh thần áp dụng ngay thuế tối thiểu toàn cầu kể từ năm 2024, nhưng phải hỗ trợ doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng phải nộp thuế bổ sung theo mức không thấp hơn mức mà họ đang được hưởng để giữ chân nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư mới.

Quyết tâm khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư