Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Sẽ thêm nhiều chính sách phát triển khu vực dân tộc thiểu số
Mạnh Bôn thực hiện - 13/08/2024 09:25
 
Chuẩn bị cho công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, ngành thống kê thực hiện điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. “Cuộc điều tra sẽ đưa ra số liệu, chứng cứ tin cậy, giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội cho giai đoạn tới”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) nói.
dân tộc thiểu số
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Thưa ông, điều tra thực trạng kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số lần này phục vụ công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV?

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Trong đó, giao TCTK chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành định kỳ điều tra đối tượng được coi là yếu thế trong xã hội, để từ đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực này.

Cuộc điều tra lần này (kết thúc vào ngày 15/8/2024) sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2024 và dự kiến đến năm 2025; đánh giá 5 năm triển khai Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025.

Kết quả của cuộc điều tra là cơ sở dữ liệu quan trọng để xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030; làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2026.

Đây là lần thứ 3, TCTK thực hiện điều tra chuyên sâu khu vực dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra 2 lần trước thế nào?

Cuộc điều tra đầu tiên thực hiện vào tháng 8/2015 (phục vụ công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng XII) đã cho ra một bộ dữ liệu đầy đủ, toàn diện, có độ tin cậy cao để làm căn cứ đánh giá kết quả và xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cũng như chính sách phát triển của cả nước nói chung.

Cuộc điều tra lần thứ hai được thực hiện vào tháng 10/2019 (phục vụ công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng XIII) đã thu thập được nguồn số liệu tin cậy để các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành xây dựng hàng loạt chính sách góp phần phát triển đất nước nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng trong những năm qua.

Các cơ chế, chính sách phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có điều kiện khó khăn đã đi vào cuộc sống, thưa ông?

Triển khai các cơ chế, chính sách liên quan giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số 52 tỉnh có thuộc diện điều tra, hiện có 31 địa phương đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 27 địa phương đạt và vượt 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác...

Thưa ông, trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để phát triển khu vực này nhanh hơn, mạnh hơn?

Điều tra lần này sẽ thu thập thông tin về dân số, nhà ở, điều kiện sống, bảo tồn văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống Chỉ tiêu thống kê về dân tộc phục vụ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030; đáp ứng yêu cầu biên soạn một số chỉ tiêu thuộc Mục tiêu Phát triển bền vững.

Tôi tin rằng, cuộc điều tra lần này tiếp tục đưa ra những thông tin, dữ liệu chất lượng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới; từng bước khắc phục, giải quyết khó khăn, đồng thời phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số; tăng cường củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Quảng Ninh bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Không chỉ sở hữu ưu thế về cảnh quan thiên nhiên được ví là nơi như “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh còn là địa phương hội tụ nét văn hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư