Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Singapore nối dài dự án đầu tư tại Việt Nam
Nguyên Đức - 11/09/2013 08:08
 
Hôm nay, Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore, cộng với việc hai bên dự kiến ký kết Hiệp định Quan hệ đối tác chiến lược sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư. Khám phá Singapore cùng Giải đua F1 độc nhất thế giới

Một trong những sự kiện quan trọng mà Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ tham dự, cùng với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, đó là chứng kiến Lễ khởi công Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Việt Nam - Singapore (VSIP Quảng Ngãi).

Dự án sẽ nối dài danh sách 4 VSIP mà Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã triển khai tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng trong thời gian qua.

VSIP - hình mẫu trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Singapore.
(Ảnh: Đức Thanh)

Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 23/4/2012, với kế hoạch đầu tư xây dựng một khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ trên tổng diện tích 1.746 ha, trong đó đất cho khu công nghiệp là 1.226 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 125,35 triệu USD.

Đánh giá cao dự án này, ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, VSIP Quảng Ngãi sẽ là điểm đến mới, hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Minh chứng rõ nét nhất, theo ông Sô, ngay tại Lễ khởi công, Quảng Ngãi sẽ cấp chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, đồng thời công bố 2 nhà đầu tư đã ký cam kết đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi.

Trong đó, đáng chú ý là Dự án Nhà máy Sản xuất bánh kẹo và nước giải khát URC Central Dung Quất (Anh), với tổng vốn đầu tư 742,7 tỷ đồng.

Thực tế, không chỉ VSIP Quảng Ngãi, mà cả 4 VSIP còn lại đều đã và đang góp phần rất lớn trong thu hút đầu tư. Số liệu từ Công ty liên doanh TNHH VSIP cho biết, tính đến nay, các VSIP đã thu hút 492 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư lên tới 6,7 tỷ USD. Trong đó, riêng hai khu VSIP ở Bình Dương thu hút được 425 nhà đầu tư từ hàng chục quốc gia khác nhau, với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD.

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đều đã từng đánh giá cao kết quả đầu tư của VSIP và coi đây là hình mẫu trong hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia.

Nhưng hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore không chỉ dừng ở VSIP. Chính Thủ tướng Lý Hiển Long, khi trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam trước chuyến thăm chính thức tới Việt Nam đã khẳng định rằng, Singapore và Việt Nam cần phải tiếp tục khai thác quan hệ đối tác mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của hai nước.

“Chúng ta đã làm điều đó đối với các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, phát triển từ những thị trấn công nghiệp thành những khu liên hợp mà ở đó mọi người có thể ‘làm việc, sống và vui chơi’. Chúng ta cũng cần phải tiếp tục củng cố quan hệ nhân dân, đó là tâm điểm của mọi mối quan hệ song phương…”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

Trên thực tế, nhiều công ty lớn của Singapore đã đầu tư vào Việt Nam ngay khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào năm 1987, như Sembcorp, Ascendas, CapitaLand, Keppel Corporation… Hiện tại, những công ty đó vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Sembcorp không chỉ tiếp tục cùng đối tác trong liên doanh triển khai các khu VSIP, mà còn trực tiếp đầu tư một dự án nhiệt điện ở Quảng Ngãi. Dự án này vào tháng 6 vừa qua đã được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT, với vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.

Điều đáng nói hơn, vốn đầu tư từ Singapore không chỉ tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp như trước, mà nay đã chuyển dịch sang các lĩnh vực dịch vụ, như giáo dục, bán lẻ, y tế…

Chẳng hạn, tháng 5/2013, Công ty NTUC FairPrice, hãng bán lẻ lớn nhất của Singapore đã hợp tác với Saigon Co.op chính thức khai trương một đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn tại TP.HCM, với tên gọi Co.opXtra Plus. Theo ông Tan Kian Chew, Tổng giám đốc điều hành của NTUC FairPrice, liên doanh này sẽ mang lại lợi ích cho cả Singapore và Việt Nam.

NTUC FairPrice trên thực tế đã vào Việt Nam từ năm 2010, cũng liên doanh với Saigon Co.op. Động thái mới đây của tập đoàn này chỉ là bước mở rộng đầu tư và điều này cho thấy, NTUC FairPrice thực sự đánh giá cao thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, tháng 6/2013, Công ty Chandler Corporation đã chính thức đặt chân vào thị trường y tế Việt Nam thông qua việc mua lại 80% cổ phần tại Bệnh viện Hoàn Mỹ. Theo như tiết lộ của ông Martin Robinson, Giám đốc điều hành trong lĩnh vực y tế của Chandler Corporation, Chandler có thể sẽ không dừng lại ở Hoàn Mỹ.

“Chúng tôi sẽ đánh giá và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới cùng với đội ngũ quản lý tại Hoàn Mỹ”, ông Robinson nói.

Một ví dụ khác, Kinderworld cũng đang từng bước mở rộng thương hiệu Pegasus tại những thành phố lớn của Việt Nam, nhằm cung cấp các chương trình giáo dục trên khắp cả nước. TP.HCM, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… là những địa điểm mà Kinderworld đã nhắm tới.

- Lũy kế tính đến ngày 20/8/2013, Singapore có 1.180 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 28,66 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

- Trong 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ Singapore vào Việt Nam đạt trên 3,78 tỷ USD, đứng vững ở vị trí thứ hai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư