Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sông Cầu sẵn sàng bứt phá
Hà Minh - 25/08/2019 07:20
 
Sông Cầu đánh dấu “tuổi lên 10” bằng việc được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Phú Yên và đang đứng trước cơ hội thuận lợi hơn bao giờ hết, khi hội tụ đầy đủ tiềm năng về các lĩnh vực kinh tế để sẵn sàng bứt phá.
TIN LIÊN QUAN
Thị xã Sông Cầu với quy hoạch tầm nhìn hướng biển đang tạo ra lực hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư
Thị xã Sông Cầu với quy hoạch tầm nhìn hướng biển đang tạo ra lực hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư

Những bước chuyển mạnh mẽ

Không khó để cảm nhận một thị xã Sông Cầu đang vươn vai đứng dậy căng tràn nhựa sống, khỏe khoắn, lịch lãm và mang dáng dấp của đô thị hiện đại hướng biển, hướng sông. Từ trên con dốc cao hướng mắt về phía Vịnh Xuân Đài bao la trời nước và xanh ngắt một màu, sẽ phần nào cảm nhận được một Sông Cầu sở hữu tiềm năng du lịch thiên phú.

Tận dụng vị trí địa chiến lược này, từ năm 2009, khi Sông Cầu được công nhận thị xã, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sông Cầu đã cùng nhau nỗ lực xây dựng quê hương theo những tiêu chí rõ ràng để Sông Cầu ngày một khang trang, hiện đại và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, việc làm cho người dân và ngày càng hấp dẫn với du khách.

“Xác định rõ thị xã Sông Cầu là trung tâm phía Bắc của tỉnh Phú Yên về kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch và công nghiệp, ngay từ khi thành lập thị xã, Sông Cầu luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thu hút, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ - du lịch, y tế, giáo dục... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng theo từng năm, từ 418 tỷ đồng vào năm 2008 tăng lên 3.050 tỷ đồng vào năm 2018”, ông Đào Mỹ, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu chia sẻ.

Nhờ chuyển dịch kinh tế, chú trọng kêu gọi đầu tư đúng hướng, quy hoạch và quản lý quy hoạch chặt chẽ, nên kinh tế của thị xã Sông Cầu sau 10 năm xây dựng và phát triển đã có bước đột phá mạnh mẽ. Năm 2009, thu ngân sách của Thị xã chỉ đạt gần 32 tỷ đồng, thì năm 2018 đã đạt hơn 173 tỷ đồng.

Xác định hạ tầng là đòn bẩy cho phát triển và tạo sức lan tỏa tới các loại hình kinh tế khác, thời gian qua, Thị xã đã đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn) và các tuyến từ Quốc lộ nối với các huyện miền núi lân cận, bảo đảm hoạt động thông suốt. Đặc biệt, trong thời kỳ này, một số tuyến đường trọng điểm đã được hình thành, như: đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân, kè chống xói lở Đầm Cù Mông...

Đồng thời, Thị xã đã phối hợp xây dựng và đưa vào sử dụng hầm đường bộ Đèo Cù Mông nối Sông Cầu và Quy Nhơn, góp phần tăng tính kết nối, tạo ra nhiều cơ hội phát triển liên vùng. Sản xuất nông - lâm - thủy sản của địa phương tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế và đời sống nhân dân.

Nhờ kinh tế có bước chuyển biến mạnh, nên thị xã Sông Cầu có điều kiện nhiều hơn để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thị xã có 60 trường học, cơ sở giáo dục các loại hình (từ mầm non đến trung học phổ thông) được phân bố đều khắp, trong đó có 18 trường học đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát triển cả về số lượng và chất lượng với 99,7% đạt chuẩn, trên chuẩn. Chất lượng giáo dục toàn diện hàng năm tiếp tục được nâng lên.

Công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện. Công tác xóa đói, giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thông qua việc lồng ghép vào các chương trình, dự án giảm nghèo, cùng với sự nỗ lực của hộ nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của Thị xã đã giảm đáng kể: từ 13% (theo tiêu chuẩn hộ nghèo cũ) vào năm 2010, giảm xuống còn 6,77% (theo tiêu chí hộ nghèo tiếp cận đa chiều) vào cuối năm 2018.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được địa phương chú trọng. Từ năm 2010 đến nay, Thị xã đã giải quyết việc làm cho trên 5.600 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên theo từng năm: năm 2010 là 50%, đến năm 2018 đạt 61% tổng số lao động đang làm việc.

Hướng đến mục tiêu mới

Để xây dựng Sông Cầu thành cực tăng trưởng lan tỏa phía Bắc, tỉnh Phú Yên đang có những bước đi thận trọng, táo bạo và hiệu quả. Nội lực được tăng lên, hấp lực mạnh mẽ hơn khi đầu năm 2018, Sông Cầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài đến năm 2030 với mục tiêu đón khoảng 1,2 triệu lượt khách; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 900 tỷ đồng...

Danh sách gần 30 dự án được lãnh đạo Thị xã Sông Cầu tiếp nhận từ các nhà đầu tư đến khảo sát, xin chủ trương đầu tư cho thấy một Sông Cầu thực sự hấp dẫn đã được các doanh nghiệp nhìn nhận một cách nghiêm túc. Có thể kể đến các dự án như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp

Bãi Từ Nham; Vịnh Hòa Emerald Bay Resort; khu du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay; khu du lịch sinh thái Thiên Đường Phú Yên; khu du lịch, nghỉ dưỡng biển cao cấp Bãi Bàng; khu du lịch Hòa Lợi; khu du lịch sinh thái Bãi Ôm…

Sông Cầu cũng là “địa chỉ đỏ” giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đó là những dự án năng lượng tái tạo như Dự án Điện mặt trời, điện gió Xuân Thọ; Dự án Điện gió Sông Cầu Xanh, Điện gió Xuân Thọ của Tập đoàn HBRE…

Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu I, II, III với tổng diện tích lên đến gần 350 ha đã cơ bản được lấp đầy đang cùng với Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp Phú Tài (Bình Định) hình thành các vùng kinh tế trọng điểm - hạt nhân phát triển công nghiệp của tỉnh và liên vùng kinh tế Phú Yên - Bình Định.

Để chuẩn bị cho chặng đường phát triển mới, hướng đến mục tiêu mới cao hơn, ông Đào Mỹ cho biết: “Thị xã Sông Cầu đang rà soát lại quy hoạch trên cơ sở quy hoạch chung để định hình lõi đô thị; quy hoạch phân khu chức năng phía Nam, phía Bắc và phân khu trung tâm để định hướng thu hút đầu tư. Song song đó, Sông Cầu kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Chính các nhà đầu tư hạ tầng sẽ góp phần căn bản hoàn thiện đồng bộ hạ tầng địa phương để góp phần đưa Sông Cầu lên đô thị loại II”.

“Thành phố Sông Cầu” - danh xưng có lẽ còn lạ lẫm với người dân và du khách. Nhưng, Sông Cầu cũng đã từng vững bước đi lên qua các giai đoạn phát triển. Vậy nên, cũng không ngạc nhiên khi một ngày gần đây, đô thị này trở thành thành phố sầm uất bậc nhất phía Bắc tỉnh Phú Yên.

Kết nối từ tuyến du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu
Cung đường như dải lụa ven biển kết nối hai địa danh nức tiếng với những sản phẩm du lịch đặc sản sẽ khiến du khách bị mê hoặc bởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư