Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sửa đổi Luật Đầu tư công: Tháo vướng thủ tục cho dự án nhóm A
Hà Nguyễn - 30/09/2017 08:28
 
Các quy định còn bất cập trong Luật Đầu tư công đã bắt đầu được dự thảo sửa đổi. Do tính cấp bách của vấn đề, nhiều khả năng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2017.
TIN LIÊN QUAN

“Gỡ” thủ tục để tạo thuận lợi hơn

Một trong những vướng mắc được các địa phương “kêu” khá nhiều trong quá trình thực thi Luật Đầu tư công, đó là còn những bất cập trong tiêu chí phân loại dự án nhóm A. Theo quy định của Luật, thì dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, dự án tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh thì sẽ thuộc “nhóm A”, không phân biệt tổng mức đầu tư.

Hiềm nỗi, quy định này đang đẩy nhiều địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế, Quảng Nam vào tình thế “lưỡng nan”, khi mà rất nhiều dự án trên địa bàn có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, nhưng vẫn phải trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Chưa kể, các dự án này còn chịu sự điều chỉnh của các luật khác như Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường..., nên thủ tục đầu tư rất phức tạp, qua nhiều cấp quản lý xem xét, phê duyệt. Bất cập này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế, theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư.

Những bất cập trong tiêu chí phân loại Dự án nhóm A khiến nhiều địa phương lâm vào khó khăn trong triển khai  các Dự án đầu tư công. Trong ảnh: Nâng cấp sân bay Phù Cát (Quy Nhơn). Ảnh: Đức Thanh
Những bất cập trong tiêu chí phân loại dự án nhóm A khiến nhiều địa phương lâm vào khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư công. Trong ảnh: Nâng cấp sân bay Phù Cát (Quy Nhơn). Ảnh: Đức Thanh

Tương tự, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quy định về thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đối tác công - tư (PPP) cũng đang được đề xuất sửa đổi, bổ sung. Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo quy định hiện nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công. Nhưng thực tế, nhiều dự án PPP có tổng mức đầu tư thuộc nhóm A, nhưng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia chiếm tỷ lệ rất thấp. Nếu phải thực hiện quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư như một dự án sử dụng 100% vốn nhà nước, thì nhà đầu tư tư nhân đôi khi sẽ nản lòng.

Trước thực tế trên, có ý kiến đã đề xuất nên chấp thuận tiêu chí phân loại đối với dự án PPP căn cứ vào phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Thay vào đó, bổ sung một điều khoản rằng, đối với các dự án PPP, việc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ sẽ “thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

“Quy định như vậy là để khuyến khích được nhà đầu tư tham gia dự án PPP, nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu quản lý, bởi các dự án nhóm A ngoài quy mô vốn đầu tư lớn, còn có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư tại nơi triển khai dự án”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh do cấp huyện, cấp xã quản lý, hay thủ tục đầu tư các dự án có cấu phần xây dựng nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi.

Điều chỉnh dự án, không phải cứ muốn là được

Một thực tế diễn ra khá phổ biến ở các dự án đầu tư công, đó là điều chỉnh tổng mức đầu tư, nên có khi dự án đang ở nhóm C thì đẩy lên nhóm B, nhóm B lại “nâng” lên nhóm A. Và người ra quyết định, theo quy định hiện hành, lại chính là cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư ban đầu. Điều này khiến việc ra quyết định tăng tổng mức đầu tư trở nên dễ dàng hơn, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư công, dù trên thực tế vẫn có rất nhiều tiêu chí được đặt ra đối với các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư. Chẳng hạn, do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn; khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án; hay khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định...

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án điều chỉnh từ nhóm C hoặc B lên nhóm A; giao Chính phủ hướng dẫn việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ nhóm C lên nhóm B và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, nhưng không làm thay đổi phân loại dự án.

“Quy định như vậy để đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư công, hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh dự án”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.

Tương tự, các quy định liên quan tới việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm cũng sẽ được sửa đổi, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quy định hiện tại, thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau. Quy định như vậy cũng dễ hiểu, bởi do tính chất đặc thù và cũng do một số khó khăn trong thủ tục, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, các dự án vẫn kéo dài đến sang năm để tiếp tục giải ngân. Những tưởng sẽ tạo thuận lợi, hóa ra lại nảy sinh tình trạng đầu năm ngồi chơi, cuối năm mới lo giải ngân. Năm 2017, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, Thủ tướng Chính phủ đã rất sốt ruột trước tình trạng vốn đầu tư giải ngân quá chậm.

Để tránh tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 2 phương án sửa đổi Luật Đầu tư công. Trong đó, phương án 1, chỉ cho phép thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm kéo dài đến ngày 31/1 năm sau. Trường hợp đặc biệt, được cấp có thẩm quyền cho phép thì được kéo dài thời gian giải ngân, nhưng không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tất cả mới đang là đề xuất, song nếu những quy định nói trên được sửa đổi, thì một mặt vừa tạo thuận lợi trong thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công, nhưng cũng đồng thời quản lý, giám sát chặt hơn việc đầu tư bằng nguồn vốn công. Tất cả sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho vốn đầu tư công trong bối cảnh nợ công đã chạm đỉnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư