Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Sửa Luật Đầu tư: Đường phải thông để tiền chạy đúng chỗ
Khánh An - 08/04/2019 09:06
 
Doanh nghiệp Việt Nam có thể làm các dự án quy mô lớn, ở trong nước và cả ở nước ngoài. Với tư duy này của Ban Soạn thảo sửa đổi Luật Đầu tư, nhiều quy trình, thủ tục đầu tư sẽ có thay đổi đáng kể.
Theo quy định hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định các Dự án có vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Dự án sản xuất ô tô, xe máy VinFast. Ảnh: Đ.T
Theo quy định hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án có vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Dự án sản xuất ô tô, xe máy VinFast. Ảnh: Đ.T

Quy mô vốn có còn quá quan trọng?

Hơn 2 năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa khởi công được dự án nào. Trong số các lý do, ông Vũ Phương Đông, Ban Pháp chế (EVN) điểm danh vướng mắc từ quy định liên quan đến quy định về thủ tục đầu tư, khiến thời gian chuẩn bị đầu tư nhiều dự án bị kéo dài.

“Theo quy định hiện hành, Hội đồng Thành viên EVN được quyết định chủ trương đầu tư đến dự án nhóm B, không quá 2.300 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án không phân biệt nguồn vốn trên 5.000 tỷ đồng. Câu hỏi là, dự án từ 2.300 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng thì trình ai”, ông Đông đặt vấn đề với Ban Soạn thảo sửa đổi Luật Đầu tư.

doanh nghiệp nhà nước, EVN sẽ còn phải tuân thủ nhiều quy định liên quan, nhưng khi tồn tại một khoảng trống trong các quy định pháp lý, chắc chắn mối lo trên không của riêng doanh nghiệp nào.

Nhưng điều đáng nói hơn, đó là cách quản lý các dự án đầu tư theo quy mô vốn có còn phù hợp. Luật sư Trần Tuấn Phong, Công ty Luật Vilaf đã nhắc tới sự lớn mạnh hơn của khu vực tư nhân trong nước, khả năng thực hiện nhiều dự án quy mô lớn, rất lớn.

“5.000 tỷ đồng là lớn, nhưng không phải quá lớn so với năng lực của các nhà đầu tư tư nhân hiện tại và những năm tới. Tôi cho là làm khó doanh nghiệp nếu bắt các doanh nghiệp phải làm thủ tục trình xin chủ trương đầu tư, rồi phải làm các thủ tục đăng ký đầu tư… Nên quy định theo hướng chọn - cho với các thủ tục liên quan đến đầu tư trong nước, nghĩa là, cái gì không cấm thì được làm. Đây là một điểm nghẽn cần sửa ở cả Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp”, luật sư Phong phân tích.

Không chỉ vướng đầu tư trong nước, mức khống chế các dự án đầu tư ra nước ngoài có quy mô trên 800 tỷ đồng phải xin quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cũng đang được đề nghị xem xét sửa đổi.

Có cần rạch ròi đầu tư trực tiếp - gián tiếp

Trong khá nhiều lần tham vấn ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, câu hỏi có nên phân biệt rõ đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp không luôn là đề tài thu hút sự chú ý. Thực tế là khả năng phân biệt rạch ròi đang trở nên khó hơn, với sự xuất hiện đa dạng, thậm chí đan chéo của nhiều hình thúc đầu tư.

Ở góc độ chuyên môn, ông Phong cho rằng, không nên lấy coi hình đầu tư gián tiếp hay trực tiếp làm tiêu chí cấp phép. Hình thức này chỉ thể hiện chu trình thực hiện giao dịch trên thị trường.

Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Công ty NHQuang và cộng sự đề xuất bổ sung, cập nhật những phương thức đầu tư mới, đang nổi lên ở nhiều quốc gia, như near sourcing (đầu tư dịch chuyển về gần quốc gia gốc); đầu tư tự động hóa - xu thế mới của thế giới hay phương thức ủy thác đầu tư với các dự án hạ tầng quy mô nhỏ, chứ không chí có đầu tư trực tiếp, gián tiếp.

“Tôi đề nghị làm Luật Đầu tư mạnh, tạo ra khung để các luật khác phải tuân theo. Để làm được điều này, Luật Đầu tư không phải chỉ sửa các vấn đề vướng mắc hiện tại mà còn phải theo kịp xu hướng mới”, ông Quang đề xuất.

Dự án trên 5.000 tỷ đồng không cần xin Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư

Bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Đây là đề xuất của Ban Soạn thảo sửa đổi Luật Đầu tư.

Lý do được giải trình là tiêu chí xác định dự án này không hợp lý, chỉ dựa giá trị vốn đầu tư của dự án mà không phân biệt ngành, nghề, hình thức đầu tư... dẫn đến nhiều vướng mắc, lúng túng trong việc áp dụng thủ tục đầu tư phù hợp.

Mặt khác, những dự án quan trọng, nhạy cảm cần có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đều đã được quy định tại cụ thể tại Điều 31 của Luật Đầu tư. Việc bỏ quy định này giúp giảm số lượng dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, Ban Soạn thảo cũng bổ sung khái niệm "chấp thuận chủ trương đầu tư" để làm rõ mục đích, bản chất của việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án. Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư là văn bản của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn và các điều kiện khác nhằm bảo đảm việc thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch.

Vì sao cần sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chỉ sau hơn 2 năm thi hành?
Theo so sánh của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 106 trên 190 quốc gia và nền kinh tế về năng lực cạnh tranh xét trên chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư