Thứ Ba, Ngày 06 tháng 05 năm 2025,
Sửa Luật Nhà giáo: Có thể phân cấp tuyển dụng giáo viên cho một số trường phổ thông
T.L - 06/05/2025 14:11
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo quy định, cơ quan tuyển dụng là đơn vị quản lý giáo dục, song có thể xem xét phân cấp cho cơ sở như các trường THPT có đủ điều kiện.

"Ép buộc học thêm": Cần quy định rõ ràng hơn

Sáng 6/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, điều 11 của dự thảo luật quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; không được ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.

f
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) 

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị chỉnh theo hướng nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và không được thu tiền học thêm của học sinh, kể cả trường hợp học sinh tự nguyện đăng ký.

Đây là ý kiến xác đáng. Việc học thêm là nhu cầu có thật của người học, tuy nhiên, việc ép buộc học sinh phải học thêm là không phù hợp. Do đó, dự thảo Luật quy định việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Tuy vậy, liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, nhiều đại biểu có ý kiến khác nhau. Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, học thêm và dạy thêm là nhu cầu xã hội, là nguyện vọng của nhiều gia đình, không thể quy hết cho giáo viên.  

“Đây là nguyện vọng chính đáng. Khi có nguyện vọng của gia đình, giáo viên lựa chọn dạy thêm để có thêm thu nhập. Việc giáo viên bỏ thời gian cho gia đình, tạo lợi ích cho xã hội, tăng thu nhập cho bản thân là chính đáng”, đại biểu nêu quan điểm và đề nghị, dự thảo luật nên quy định “cấm tham gia dạy thêm trái quy định pháp luật”. Bởi hiện nay có nhiều hình thức không ép buộc nhưng vẫn gây áp lực khiến học sinh đăng ký đi học thêm, đặc biệt với học sinh cấp tiểu học.

Tuy vậy, việc nhận diện như thế nào là ép buộc hay gây áp lực học thêm trong thực tế rất khó. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị cần có bộ quy tắc ứng xử riêng của nhà giáo để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ tiêu chí về dạy thêm, học thêm và các quy chế đặc thù để hạn chế tình trạng dạy thêm tự phát, lãng phí, không cần thiết.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) kiến nghị thêm, cần bổ sung quy định về các hình thức dạy học hợp pháp ngoài chương trình, như bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu… với điều kiện “không vụ lợi” và tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Nhìn từ "gốc" của vấn đề, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, nếu nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy tại lớp đủ hiệu quả để học sinh hiểu bài, thì nhu cầu học thêm sẽ giảm đi đáng kể. Do đó, ông đề nghị cần rà soát lại toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông để điều chỉnh lượng kiến thức và phương pháp truyền đạt cho hợp lý hơn.

Có thể phân cấp tuyển dụng giáo viên cho một số trường phổ thông đủ điều kiện

Một trong những điểm nhấn của của dự thảo Luật Nhà giáo là làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. 

b
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Về thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, hiện quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo. Việc dự thảo Luật giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là rất cần thiết. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo. Đây chính là quy định rất quan trọng có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn nhất và ngày càng trầm trọng về thừa - thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương. 

Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu về phân cấp, phân quyền tuyển dụng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tinh thần là nơi nào sử dụng lao động, nơi nó tuyển dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng phân cấp, phân quyền với trường mầm non, tiểu học là khó do nhiều khi các trường chỉ tuyển một vài giáo viên mà lập cả hội đồng tuyển dụng là rất khó khăn, do đó, việc tuyển dụng sẽ do cơ quan quản lý giáo dục thực hiện. Tuy nhiên, ngành giáo dục có thể xem xét phân cấp cho một số cơ sở đảm bảo điều kiện tuyển dụng, ví dụ như một số trường phổ thông. 

Về chính sách tiền lương, có ý kiến đề nghị quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; không quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan cũng thống nhất giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non với các chế độ như quy định trong dự thảo Luật.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm góp phần đảm bảo tính công bằng trong giáo dục
Trong 2 ngày (27 và 28/2), Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn đã khảo sát, nắm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư