Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Sức sống kiên cường của Việt Nam
Không chỉ trong giai đoạn Covid-19, sức sống kiên cường của người Việt Nam còn thể hiện trong cách mà nhiều cộng đồng người Việt vượt qua khó khăn. Đó là “sức mạnh mềm” đáng quý mà chúng ta cần trân trọng, tìm hiểu và phát huy.
TIN LIÊN QUAN
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh)

12 giờ khuya một ngày đầu tháng 11/2022 ở TP.HCM, sau khi cùng các đồng nghiệp ở Đại học Bristol nhận phòng khách sạn xong, tôi quyết định bắt Grab đi ăn khuya. Một đồng nghiệp ngạc nhiên hỏi: “Vào giờ này?” Tôi cười: “Đó là cái lợi của việc sống ở Việt Nam”. Bạn cười bảo: “Nơi này sống động thật”.

Nếu có ai hỏi tôi tự hào gì về Việt Nam, tôi sẽ nói: “Sức sống kiên cường”. Trong chuyến đi đó, tôi đi qua một số nước châu Á, nhưng cảm giác sôi động thì chỉ có ở Việt Nam mà thôi.

TP.HCM về đêm và tôi vẫn có thể dễ dàng tìm được một con phố nhiều hàng quán còn sáng đèn, đủ cả hủ tíu, mì, phở và xôi. Một quán cà phê vẫn mở và nhiều người vẫn ngồi trong quán.

Sức sống của Việt Nam khác với nhiều nơi mà tôi tới. Thái Lan thân thiện, nhưng không đủ sự sôi nổi. Singapore cũng có phục vụ thức ăn khuya, nhưng lại thiếu sự thân thiện, thiếu sức hút, mà thừa sự vội vã, chuyên nghiệp.

Nếu có so sánh, tôi sẽ nghĩ tới Tây Ban Nha, nơi mà sau 12 giờ khuya vẫn đông đúc, vì người ta ăn tối từ 10 giờ. Nhưng đó vẫn là một sự khác biệt, vì 8 giờ sáng của Tây Ban Nha thì vắng lặng, ít người qua lại. Tôi đã từng chạy khắp 4 con đường mà không tìm ra một tiệm cà phê nào mở cửa lúc 8 giờ sáng ở Madrid. Nhưng ở Việt Nam, khuya hay sáng, tôi vẫn dễ dàng tìm ra một tiệm ăn mở cửa.

Và ít ai chú ý rằng, sự sống động ở nơi này vừa trở lại không lâu. Chỉ hơn 12 tháng trước, Việt Nam đã phải trải qua những ngày khó khăn nhất. Trang tin của chính quyền TP.HCM còn ghi nhận:  “Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9/2021 được xem là giai đoạn cực kỳ khó khăn với TP.HCM, khi mà các lĩnh vực đều ngừng trệ, y tế thì quá tải ngay lúc nhu cầu được hỗ trợ, tiếp sức của người dân ngày càng cao.” Vậy mà, chỉ hơn 12 tháng sau đó, mọi việc đã thay đổi rất nhanh.

Năm 2023 được dự báo là một năm có nhiều thử thách và khó khăn sẽ còn bủa vây người lao động cũng như doanh nghiệp. Đây là lúc mà tính kiên cường của doanh nghiệp và cá nhân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Một người quen của tôi làm việc ở Đại sứ quán Anh tại Hà Nội nhận xét rằng, anh rất ngạc nhiên với sức sống bền bỉ ở những thành phố như Hà Nội hay TP.HCM. Anh những tưởng, mọi thứ sẽ phục hồi rất chậm chạp sau dịch Covid-19, nhất là sau những chuyện đã xảy ra ở TP.HCM. Anh dùng từ “đáng kinh ngạc” (amazing) để nói về sự phục hồi này. Cùng là những người đi lại ở hai nước Anh và Việt Nam, cũng như có cơ hội đi nhiều nước khác, chúng tôi có cùng quan điểm là sức sống của những thành phố lớn của Việt Nam hồi phục một cách đáng kinh ngạc.

Tăng trưởng kinh tế 8,02% của Việt Nam trong năm 2022 phần nào phản ánh điều đó, dù những tháng cuối năm gặp nhiều khó khăn. Đằng sau những con số đó, tất nhiên có nhiều điều cần bàn thêm. Nhưng, không thể phủ nhận rằng, nếu không có sự bền bỉ và dẻo dai, đầy sức sống, con số tăng trưởng của năm 2022 có thể chỉ là 4 - 5% và có lẽ vẫn chưa thể hồi phục nổi so với năm 2019 (điều xảy ra ở một số nền kinh tế phát triển, có vắc-xin phòng Covid-19 trước và mở cửa trước Việt Nam gần 8 tháng). 

Sự kiên cường (resilience) và sống động (liveness) là những nhân tố được cho là ảnh hưởng đến khả năng vượt qua được giai đoạn phong tỏa vì Covid-19 của nhiều quốc gia và giai đoạn dịch bệnh vừa qua là một bài kiểm tra năng lực của từng nước. Việt Nam chắc chắn là một trong những nước đã hoàn thành tốt bài kiểm tra đó.

Sức sống kiên cường của người Việt Nam không chỉ thể hiện qua giai đoạn Covid-19, mà còn thể hiện trong cả cách mà nhiều cộng đồng của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, như thiên tai hàng năm, hay cách mà cộng đồng người Việt vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, phân biệt chủng tộc để tồn tại và phát triển thịnh vượng ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong vài năm trở lại đây, tính kiên cường, khả năng duy trì sức sống mãnh liệt trong nghịch cảnh đã trở thành một nhân tố quan trọng để giúp nhiều trẻ em thành công trong cuộc sống. Một số nhà nghiên cứu đã khuyến nghị trường học nên dạy cho trẻ em cách trở nên kiên cường hơn trong cuộc sống, không ngại thất bại, có thể đối mặt và vượt qua nghịch cảnh.

Tờ Guardian (Anh) từng đăng loạt bài “Khoa học về tính kiên cường: Cách dạy học sinh khả năng kiên trì, không bỏ cuộc”.  Tính kiên cường còn áp dụng cả vào trong kinh doanh. Đại học Cranfield (Anh) từng có một công trình nghiên cứu về tính kiên cường của tổ chức.

Theo những nghiên cứu này, tính kiên cường không hề là yếu tố nằm trong gen của một cá nhân hay tổ chức nào, mà do môi trường sống, các mối quan hệ xã hội, văn hóa tạo nên. Đây là một trong những khía cạnh mềm trong văn hóa.

Tôi không biết điều gì đã hình thành sức sống kiên cường như vậy của nhiều cộng đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhưng đó là một sức mạnh mềm đáng quý mà chúng ta cần trân trọng, tìm hiểu và phát huy. Năm 2023 được dự báo là một năm có nhiều thử thách và khó khăn sẽ còn bủa vây người lao động cũng như doanh nghiệp. Đây là lúc mà tính kiên cường của doanh nghiệp và cá nhân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Có được sức mạnh mềm này, Việt Nam sẽ vững bước đối mặt với những thử thách của năm 2023.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư