Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Sức sống thanh xuân của Đảng, nhìn từ mùa Xuân đầu tiên
TS. Nhị Lê* - 03/02/2014 09:23
 
Một mùa Xuân mới đang về - Xuân Giáp Ngọ 2014, cũng là mùa Xuân thứ 84 Đảng Cộng sản Việt Nam đồng hành, dẫn dắt toàn dân tộc, cùng các tầng lớp nhân dân, các thế hệ người Việt Nam đổ máu xương, tô thắm lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh người dân đến viếng mộ Đại tướng đầu Xuân
TIN LIÊN QUAN

Thực tiễn sống động và thành quả đó là khẳng định hùng hồn về vai trò, sức sống bất diệt của Đảng, là tấm gương phản chiếu, làm bẽ bàng những luận điểm sai lầm trong mưu toan phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

Sức sống thanh xuân của Đảng, nhìn từ mùa Xuân đầu tiên
84 mùa Xuân, Đảng đã đồng hành cùng đất nước, dân tộc, nhân dân làm nên non sông sáng tươi, vững bền

Những lầm lẫn, mơ tưởng và cổ xúy...

Khép lại thế kỷ XX, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cách mạng nước ta đã thu được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại trên bình diện dân tộc và quốc tế, không ai và không gì có thể phủ nhận nổi.

Dư luận quốc tế đánh giá: “Những thành tựu trong việc cụ thể hóa một con đường thích hợp quá độ lên chủ nghĩa xã hội không chỉ là tài sản vô giá của những người cộng sản Việt Nam, mà còn là nguồn cảm hứng và tin tưởng đối với những người cộng sản và cách mạng trên toàn thế giới”...

Nguồn gốc của tất cả những thành quả đó “...chứng tỏ hùng hồn khả năng của Đảng các đồng chí trong việc xử lý những đổi thay ở trong nước, trong khu vực và trên thế giới, đồng thời giữ gìn bản sắc cách mạng cả về thực tiễn và lý luận”...

Song, chính ở thời điểm nhạy cảm này, khi chúng ta nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XI và chuẩn bị Đại hội XII của Đảng, và khi toàn Đảng, toàn dân ta và kiều bào ta ở nước ngoài vừa dân chủ góp ý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các thế lực chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tiếp tục tấn công điên cuồng và hiểm độc vào Đảng ta, mưu toan bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng, từ đó nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nhưng, khác với các lần trước, ở thời khắc này, họ ráo riết xuyên tạc, tập trung ngón đòn không chỉ vào những vấn đề chi tiết, cụ thể của Đảng ta mà tiếp tục rắp mưu thâm độc công phá vào rất nhiều vấn đề hết sức cơ bản, quan trọng, liên quan trực tiếp đến nền tảng tư tưởng lý luận, vận mệnh học thuyết mác-xít về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người ta cho rằng, sau 27 năm đổi mới, cơ cấu xã hội Việt Nam đã thay đổi, do đó, cơ cấu giai cấp công nhân cũng thay đổi theo và ngày một “teo đi”, “tính chất giai cấp công nhân vì thế không còn nữa”(!). Người ta “khuyên răn”: Đảng phải “thay đổi tính chất giai cấp công nhân của mình đi; nếu cứ khư khư giữ tính chất này, nhất định Đảng sẽ bị cô lập, khép kín”(!). Mặt khác, người ta cố lập luận rằng, trong nền kinh tế thị trường, “vấn đề tính đảng không còn ý nghĩa gì nữa”, “không cần tính đảng nữa”. Và vì thế, “không cần tới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nữa” (!)…

Nói tóm lại, theo họ, trong nền kinh tế thị trường, không cần tới sự lãnh đạo của Đảng. Thậm chí họ huỵch toẹt: Đảng phải hạ ngọn cờ lãnh đạo đất nước xuống (!).

Đường đã rõ, “... trăng cứ sáng và đoàn người vẫn cứ đi”

Sau 27 năm đổi mới toàn diện, trong sự chuyển động toàn diện và sâu sắc ấy của đất nước, cơ cấu xã hội - giai cấp cũng thay đổi đã in dấu ấn đậm nét lên sự thay đổi của giai cấp công nhân Việt Nam. Hơn nữa, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cả về quy mô, tính chất và chiều sâu đã làm xuất hiện nhiều bộ phận lao động mới trong cơ cấu lao động xã hội.

Sự xuất hiện ngày càng tăng bộ phận công nhân “trí thức hóa”, sự đa dạng của các bộ phận công nhân khu vực nhà nước và ở các thành phần kinh tế khác, ranh giới giữa công nhân nông nghiệp với công nhân công nghiệp mờ dần... đã tạo nên một dung mạo mới, khuynh hướng phát triển với chất lượng mới của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Đây chính là vấn đề đã khiến cho những ai đó hoặc lóa mắt hoặc khiếm thị hoặc chỉ thấy bề mặt của hiện tượng ấy rồi chệnh choạng, và cho rằng, “cơ cấu của giai cấp công nhân thay đổi đã làm cho tính chất của nó không còn nữa”, do đó, đã làm cho “tính chất giai cấp công nhân của Đảng cũng thay đổi và không cần thiết nữa” (!).

Vấn đề căn bản có tính quyết định sự khác biệt giữa đảng cộng sản chân chính với tất cả các chính đảng khác ở chỗ, nó mang bản chất giai cấp công nhân cách mạng, và mục tiêu tranh đấu tối cao của nó là, không ngừng đại đoàn kết đấu tranh nhằm giải phóng toàn thể nhân loại cần lao.

Ngay từ buổi lọt lòng lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang trong mình dòng máu ấy như lẽ tự nhiên, như quy luật phát sinh, phát triển được kết tinh thành sứ mệnh cao cả và thiêng liêng mà lịch sử dân tộc và nhân dân ta giao phó: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chính điều căn bản này, qua trường kỳ cách mạng, đã tôi luyện, hun đúc nên bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, khả năng và sức mạnh chiến đấu mạnh mẽ không ngừng, là ngọn nguồn làm cho Đảng ta thực sự trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng ta là đứa con nòi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta. Và gần 84 năm qua, Đảng vẫn đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong vị thế là “đứa con nòi” một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Tối thiểu những điều đó đã cắt nghĩa vì sao, Mùa Xuân năm 1930, thuở Đảng ta vừa mới sinh thành trong cái nôi dân tộc có cơ cấu xã hội tới 95% số dân là nông dân, trong lúc giai cấp công nhân rất nhỏ bé, khoảng 22 vạn người, mà vẫn thực sự là một đảng của giai cấp công nhân, chứ không phải là đảng của một giai cấp hay giai tầng nào khác đông đảo dù gấp trăm lần.

Giai cấp công nhân Việt Nam đã chủ động tôi luyện mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, qua đó lớn mạnh, và sự thật đã lớn mạnh vượt bậc và toàn diện. Sứ mệnh lịch sử Việt Nam đã tin cậy trao trọn vẹn trọng trách lãnh đạo đất nước cho Đảng ta - “một đảng đại biểu cho vô sản giai cấp, một đảng duy nhất có thể giải quyết được các vấn đề quan hệ đến vô sản giai cấp, một đảng để lãnh đạo cho tất cả công cuộc cách mạng ở Việt Nam”.

Và, trên thực tế, suốt gần 84 năm phấn đấu và hy sinh, Đảng ta đã và luôn tỏ rõ “là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất”. Vì hơn bất cứ một lực lượng chính trị nào, Đảng ta luôn luôn và mãi mãi phấn đấu: Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo. Và trên thực tế, Đảng ta tranh đấu, không vì và không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân và của dân tộc Việt Nam...

Đó là nguồn gốc sức mạnh làm nên và bảo đảm tính tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, mà đứng đầu là Đảng ta. Bài học sống còn từng xảy ra ở một số đảng tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô trước đây và một số đảng công nhân ở các nước tư bản những năm 90 của thế kỷ XX, càng làm cho chúng ta thấm thía điều sinh tử ấy. Cùng với việc các đảng này từ bỏ bản chất giai cấp công nhân, mỗi đảng viên cũng đoạn tuyệt tính tiền phong cách mạng của mình, dẫn tới việc họ tự xa rời bản chất cách mạng, tự hủy hoại một cách thảm hại vai trò lãnh đạo đã từng có trong lịch sử một cách oanh liệt của chính họ.

Từ rất lâu và nhất là hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không giấu giếm khuyết điểm, hạn chế và đang kiên quyết thực thi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng...”, nhằm xây dựng, chỉnh đốn mình ngang tầm nhiệm vụ, cũng vì lẽ đó.

Qua trường kỳ lịch sử gần 84 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải muôn vàn bão táp, bản chất ấy, vai trò lịch sử và sứ mệnh cách mạng vĩ đại của Đảng không ngừng được khẳng định và phát triển; được lịch sử Việt Nam thừa nhận như một điều sinh tử, một lô-gic phát triển tất yếu của dân tộc Việt Nam; được nâng cao không ngừng và được nhân dân kiên quyết bảo vệ, tới mức không một lực lượng nào có thể phủ nhận nổi.

Đó là điều khẳng định xuyên hai thế kỷ, từ mùa Xuân đầu tiên của Đảng, tháng 2/1930, trải qua bao giông tố hơn 8 thập kỷ Đảng cùng đất nước đi tới thành công.

(*) Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Đức ‘Nhân’ trong đạo làm tướng của Võ Nguyên Giáp
Đức “Nhân” trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: với nhân dân, với bộ đội, với kẻ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư