Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tầm nhìn mới, cơ hội mới
Hà Nguyễn - 03/10/2018 15:35
 
Hội nghị Nhìn lại 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam khai mạc ngày mai (4/10) có chủ đề “Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới”.

Việc lựa chọn chủ đề này đã cho thấy, không chỉ Chính phủ, các cơ quan quản lý, mà toàn xã hội đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi quan trọng về chất của dòng vốn FDI, qua đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của kinh  tế - xã hội Việt Nam.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào năm 1987, tạo bước đột phá trong tư duy mở cửa, thu hút FDI của Đảng, Nhà nước ta, thì dòng vốn FDI đã chảy vào Việt Nam ngày càng nhiều.

.
FDI đang ngày càng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam

Sau 3 thập kỷ thu hút FDI, khu vực này ngày càng khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của mình cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Chỉ trên góc độ đóng góp nguồn lực, việc tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội không ngừng tăng, từ gần 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017; riêng năm 2008, tỷ trọng này lên tới 30,8%, đã cho thấy vai trò quan trọng của dòng vốn này như thế nào.

Chưa kể, FDI ngày càng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Minh chứng, nếu năm 1995, tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP là 6,3% thì đến năm 2017, đã tăng lên 19,6%. FDI còn có hàng loạt đóng góp quan trọng khác, từ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển một số ngành công nghiệp và ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam, tới thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu…

Quan trọng không kém, là việc thu hút và sử dụng vốn FDI trong 30 năm qua đã góp phần tích cực hoàn thiện thể kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường; nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Càng có những đóng góp to lớn, khu vực FDI càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, là một bộ phận của nền kinh tế, là một khu vực phát triển năng động nhất hiện nay.

Nhưng thế giới đã thay đổi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ lan rộng cũng đang ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư toàn cầu. Chưa kể, sau 30 năm thu hút FDI, những tồn tại, hạn chế của dòng vốn này cũng đã được chỉ ra, từ sức lan tỏa kém, tới chậm chuyển giao công nghệ, còn những vấn đề về gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá… Tất cả đòi hỏi Việt Nam phải có định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI giai đoạn tới.

Một khi có định hướng chiến lược mới, gắn với phát triển bền vững, với tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng sẽ mở ra cơ hội mới, tầm nhìn mới cho thu hút FDI trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, mà nếu không tận dụng được cơ hội này, thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ tụt hậu. Trong kỷ nguyên đó, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Nhưng không chỉ là vai trò trong tạo nguồn lực, hay đơn thuần là thúc đẩy xuất khẩu như trước đây nữa, mà phải đóng vai trò cùng đồng hành với khu vực trong nước để “nâng cấp” nền kinh tế, đưa Việt Nam lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong nấc thang phát triển. Làm được như vậy, thu hút, quản lý và sử dụng dòng vốn FDI mới thực sự có ý nghĩa to lớn.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đồng hành với Việt Nam trong suốt 30 năm qua, 30 năm thu hút FDI và cũng là 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Thành tựu có nhiều, nhưng thách thức, khó khăn phía trước cũng vẫn còn rất lớn. Điều Việt Nam mong chờ là các nhà đầu tư sẽ tiếp tục chia sẻ tầm nhìn mới của Việt Nam trong thu hút FDI, cũng như sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển sau này.

Tam mã trong cuộc đua thu hút FDI vào Việt Nam
Trong các tập đoàn lớn có đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đông đảo hơn cả. Ngoài những nhà đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư