Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tầm quan trọng của sức khỏe tổng thể tại nơi làm việc số
P.V - 07/12/2023 08:01
 
Chuyên gia từ các doanh nghiệp cùng giảng viên Đại học RMIT trả lời câu hỏi “Làm thế nào để các tổ chức có thể thúc đẩy sức khỏe tổng thể của người lao động trong kỷ nguyên số?”
TIN LIÊN QUAN

Các báo cáo gần đây về căng thẳng, lo âu, buồn bã và giận dữ đang tăng cao ở mức kỷ lục trên toàn cầu là hồi chuông kêu gọi hành động để đối phó với “đại dịch” sức khỏe tinh thần toàn cầu.

Tại các doanh nghiệp, kết quả khảo sát của Great Place To Work (GPTW) năm 2023 chỉ ra rằng 70% người lao động không hài lòng với tình trạng sức khỏe tổng thể của họ, trong khi 42% cho biết họ không tìm thấy ý nghĩa trong công việc, 37% cảm thấy công việc của họ không tạo ra sự khác biệt và 32% cảm thấy lạc lõng.

Đáp lại mối quan tâm này, Đại học RMIT Việt Nam và GPTW đã đồng tổ chức hội thảo quản trị nhân sự xoay quanh câu hỏi làm thế nào để các tổ chức có thể thúc đẩy sức khỏe tổng thể của người lao động, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay.

Diễn giả tại hội thảo quản trị nhân sự

Các chuyên gia nhân sự đến từ các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Coca-Cola Việt Nam, VNG, cùng hai đơn vị tổ chức đã chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn nhằm trả lời câu hỏi trên.

Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp kinh doanh, Đại học RMIT, cho biết: “Theo các nghiên cứu gần đây, xây dựng nơi làm việc đề cao chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ song hành với quản trị nhân sự hiệu quả. Hội thảo quản trị nhân sự được thiết kế nhằm giúp sinh viên RMIT tìm hiểu những sáng kiến mới nhất từ chia sẻ của các lãnh đạo trong ngành”.

GPTW mang đến mô hình bông hoa năm cánh đại diện cho năm phạm vi sức khỏe tổng thể của người lao động, đó là (1) hỗ trợ tinh thần và cảm xúc, (2) ý thức về mục đích, (3) hỗ trợ cá nhân, (4) sức khỏe tài chính và (5) các mối quan hệ có ý nghĩa.

Mô hình sức khỏe tổng thể của người lao động do Great Place To Work chia sẻ

Hỗ trợ tinh thần và cảm xúc xoay quanh việc nuôi dưỡng văn hóa nơi làm việc đề cao sự tin tưởng. Đây là nền tảng cho môi trường làm việc tạo ra và duy trì năng lượng tinh thần tích cực.

Ý thức về mục đích giúp người lao động kết nối những gì họ làm hằng ngày với sứ mệnh và mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Hỗ trợ cá nhân liên quan tới việc kiến tạo môi trường nơi người lao động cảm thấy được hỗ trợ và tôn trọng. Trong môi trường như vậy, họ được linh hoạt và tự chủ trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Ngoài ra, người lao động phải có đủ thu nhập để cảm thấy ổn định tài chính và có khả năng sống thoải mái nhờ mức lương và phúc lợi xứng đáng.

Phạm vi cuối cùng là các mối quan hệ có ý nghĩa và quan tâm lẫn nhau. Kết hợp cùng bốn phạm vi trên, mô hình sức khỏe toàn diện sẽ giúp người lao động thăng hoa trong cả công việc và cuộc sống.

Mô hình toàn diện mà GPTW trình bày được minh họa với các ví dụ từ Công ty VNG. Bà Phạm Thị Thu Thảo, Trưởng bộ phận Quản lý nhân tài, Đào tạo và Phát triển Tổ chức tại VNG. Doanh nghiệp này không chỉ nâng cao tinh thần thể dục thể thao với bể bơi trong khuôn viên văn phòng và các dự án chạy cộng đồng, mà còn phát triển sản phẩm công nghệ để hỗ trợ các sáng kiến trong và ngoài tổ chức. Điển hình, tính đến cuối năm 2023, ứng dụng UpRace của VNG đã thu hút trên 650.000 người dùng với 7.000 sự kiện thể thao do hơn 3.000 tổ chức khác nhau triển khai.

Khuôn viên văn phòng thông minh sử dụng công nghệ do chính doanh nghiệp sáng tạo đem lại trải nghiệm như ở nhà cho nhân viên, đồng thời cho phép nhân viên sắp xếp công việc linh hoạt. Cơ sở vật chất như sân chơi trẻ em, phòng tập thể dục, phòng vắt trữ sữa mẹ, thư viện và các sự kiện như Ngày gia đình VNG, được tạo ra nhằm phát triển văn hóa gắn kết và hỗ trợ tinh thần nhân viên.

Trong khi đó, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đặt hạnh phúc toàn diện là cốt lõi trong chiến lược nhân sự của họ. Bức tranh hạnh phúc toàn diện tại doanh nghiệp này dựa trên bốn trụ cột, bao gồm tinh thần, công việc-cuộc sống, thể chất, và quan hệ xã hội.

Với dự án 9X+, doanh nghiệp này hướng đến xây dựng một tổ chức không biên giới và đa dạng thế hệ bằng cách trao quyền cho Gen Z sáng tạo và kết nối đội ngũ nhân sự đa dạng từ ba nhà máy, bảy khu vực kinh doanh và sáu văn phòng trên toàn quốc.

Nhóm trẻ thuộc dự án 9X+ đã cùng nhau dẫn dắt hơn 10 chương trình Đối thoại thế hệ và chuỗi các sự kiện kết nối mang tầm ảnh hưởng như Tháng tự hào, nơi thu hẹp khoảng cách về địa lý, chức vụ, thế hệ, giới tính, cho phép nhân viên phát triển tài năng và hành trình hạnh phúc của chính mình.

Cuối cùng, văn hóa tưởng thưởng và ghi nhận được nâng tầm thông qua nền tảng ‘Celebrating You’ với hơn 23.000 lời tri ân được gửi tới nhân viên để ghi nhận những đóng góp của họ, và chúc mừng cả những cột mốc nghề nghiệp lẫn cá nhân.

Tuy nhiên, mặc dù các tổ chức đang đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau, việc nâng cao sức khỏe tổng thể của nhân viên vẫn là một việc nói dễ hơn làm.

Thạc sĩ Phạm Thanh Hằng, Giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực của RMIT trích dẫn kết quả từ Khảo sát Định vị giá trị nhân viên năm 2021 của Gartner. Theo đó, trung bình chỉ có 1/3 lãnh đạo nhân sự và nhân viên sử dụng các chương trình sức khỏe tổng thể mà doanh nghiệp họ cung cấp. Tỷ lệ sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần hoặc cảm xúc đặc biệt thấp – chỉ có 23% nhân viên sử dụng các dịch vụ như vậy mặc dù 87% nhân viên được tiếp cận chúng.

“Các tổ chức vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút nhân viên thực sự tham gia vào các chương trình sức khỏe tổng thể. Chỉ khi nhân viên cảm thấy được trân trọng và lắng nghe thì họ mới có nhiều khả năng tham gia vào các sáng kiến hơn”, Thạc sĩ Hằng nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư