Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tăng tốc đầu tư vào thị trường giáo dục số
Nguyễn Ngân - 18/05/2023 16:54
 
Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ về chuyển đổi số trong giáo dục, từ đó khiến thị trường công nghệ giáo dục trở thành thị trường tiềm năng chờ được khai thác.
Ảnh minh họa

Bứt phá từ đại dịch

Chuyển đổi số trong giáo dục là điều tất yếu. Sự bùng nổ về công nghệ đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giáo dục. Xu hướng giáo dục đang dần thay đổi: thông minh hơn, nhanh nhạy hơn và tốn ít chi phí hơn. Với diễn biến của đại dịch Covid-19, nhu cầu dạy và học trực tuyến bị đẩy lên cao, sự phát triển của công nghệ giáo dục đã được đẩy nhanh chóng mặt. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của các công ty giáo dục trực tuyến có thể lên tới 150%.

Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Trung tâm phát triển Học liệu số, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) nhận định: “Thị trường Edtech đã có sự phát triển bứt phá từ sau Covid-19, dự đoán sẽ càng mạnh mẽ hơn vào giai đoạn 2025-2030. Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục là xu thế bắt buộc để hòa nhập và thích ứng”.

Từ năm 2022 đến nay, thị trường công nghệ giáo dục tại Việt Nam đã chứng kiến sự sôi động của nhiều thương vụ đầu tư, gọi vốn của các startup trong lĩnh vực này.

Mới nhất, Teky Alpha, một start-up edtech (Hà Nội) được thành lập bởi bà Đào Lan Hương vào năm 2016, chuyên cung cấp giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM) đã gọi vốn thành công 5 triệu USD từ công ty đầu tư Sweef Capital có trụ sở tại Singapore.

Trong khi trước đó, vào tháng 4, MindX, một start-up về công nghệ giáo dục khác tại Việt Nam đã gọi vốn thành công 15 triệu USD, qua đó nâng tổng số vốn kêu gọi thành công qua các vòng gọi vốn lên 18,5 triệu USD.

Đẩy mạnh đầu tư

Là đơn vị phát triển giáo dục đầu ngành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiến hành đầu tư, phát triển nhiều nền tảng số với chức năng đa dạng, phục vụ nhu cầu giáo dục trong nước ở mọi cấp độ như hoclieu.vn, hanhtrangso.nxbgd.vn, taphuan.nxbgd.vn, sachso.edu.vn.

Các nền tảng này cung cấp tài liệu ôn thi, học tập, tập huấn, giảng dạy cho cả giáo viên và học sinh, với ngân hàng đề thi và bộ sách chuẩn, bám sát chương trình Giáo dục phổ thông và hệ thống sách giáo khoa. Thông qua đây, các đơn vị giáo dục có thể tối ưu hoạt động dạy và học của mình, quản lí toàn diện và đánh giá chuẩn xác hơn về mọi mặt trong công tác giáo dục.

Tương tự, ông Huỳnh Đức Huy, Giám đốc, Nhà sáng lập Công ty TNHH Phần mềm DotB cũng cho rằng, hiện tại đang là thời cơ tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thị trường công nghệ giáo dục.

Hiện doanh nghiệp này đang cung cấp hệ thống quản lý đào tạo DotB EMS tích hợp đa nhu cầu của các cơ sở giáo dục như nhu cầu quản lý quan hệ khách hàng, quản lý đào tạo, quản lý học trực tuyến.

Theo ông Huy, ưu điểm của DotB chính là đã tích hợp được nhiều chức năng vào cùng một hệ thống, giúp các đơn vị giáo dục tiện lợi hơn trong quản lý, thay vì phải cài đặt nhiều ứng dụng như trước.

Nhờ đó, sản phẩm của doanh nghiệp này đã chiếm được sự yêu tin dùng của khách hàng, trong đó có nhiều đơn vị lớn như Viện ISB (Đại học kinh tế TP.HCM), hệ thống trường mầm non - tiểu học ICS, hệ thống Anh ngữ Cambridge Mekong,…

“Nhu cầu về giáo dục số sẽ tăng theo tốc độ phát triển của Internet. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc kết hợp các phần mềm chuyên dụng vào các thiết bị dành riêng cho học tập”, ông Huy nói.

Trong khi đó, với thế mạnh phát triển phần cứng, Công ty cổ phần Alo360.com cũng tích cực đầu tư phát triển nhiều thiết bị trường học như màn hình lớp học, máy tính bảng chuyên dụng, các thiết bị phòng học thông minh,…

Ông Nguyễn Minh Tuyển, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Alo360.com cho biết: “Chúng tôi sản xuất những sản phẩm có chức năng chuyên dụng, tối ưu hóa nhất cho lớp học như chức năng quản lý qua máy chủ, giao bài tập, kiểm tra,…”.

Đồng thời, với mảng phần mềm không phải là thế mạnh của doanh nghiệp, Alo360.com đã bắt tay với doanh nghiệp khác để thiết kế những phần mềm riêng, được tặng kèm theo thiết bị của mình nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói, dùng sự tiện ích để thu hút khách hàng.

Cách làm này hiện cũng đang được nhiều doanh nghiệp khác như Samsung, Masscom,… áp dụng.

Tuy nhiên, đối với mảng sản xuất, kinh doanh phần cứng này, đại diện Samsung cho biết hiện đa số các đơn vị giáo dục chưa sẵn sàng chi trả một số tiền lớn để đầu tư. Đặc biệt là ở các đơn vị giáo dục công. Bởi số tiền để đầu tư sản phẩm công nghệ cho một đơn vị giáo dục là không nhỏ, các trường, cơ sở cũng băn khoăn liệu có tận dụng tối ưu được tính năng của sản phẩm hay không.

Trước thực trạng này, đại diện Samsung cho biết đã có những gói cho cơ sở giáo dục thuê thiết bị để trải nghiệm, đồng thời tư vấn gói phù hợp với điều kiện vật chất tại cơ sở. Nhờ đó có thể đẩy mạnh sự phổ biến của công nghệ giáo dục.

Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư