Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tăng trưởng Mobile Money: Mấu chốt vẫn là người dùng
Tú Ân - 18/12/2022 17:33
 
Sau một năm thí điểm, Mobile Money hoạt động chưa đạt như kỳ vọng. Bên cạnh nguyên nhân nhiều người dùng còn e ngại, vẫn còn vướng mắc về pháp lý.
Việc phát triển Mobile Money chưa đạt như kỳ vọng do người dùng còn e ngại

Kết quả khiêm tốn

Cục Viễn thông đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ đạt 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money. Nhưng sau một năm thử nghiệm Mobile Money, mới chỉ có 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản Mobile Money. Cả 3 đơn vị thí điểm Mobile Money là Viettel, VNPT, MobiFone đã xây dựng được hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh, kết nối hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thẻ. Tổng giá trị Mobile Money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với tổng số gần 950 tỷ đồng. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá, Mobile Money bước đầu đã đạt được một số thành công trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Về mặt pháp lý, thì đại lý vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Dưới góc độ người dùng thì thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại sử dụng dịch vụ không bảo mật. Trong khi đó, mạng lưới chi nhánh và hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Còn ở khu vực nông thôn, tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng.

Ở phía doanh nghiệp, một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế hướng tới khách hàng, chưa phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Viettel Digital cho biết, dự kiến hết năm nay, Viettel Digital sẽ có 2 triệu khách hàng Mobile Money, trong đó hơn 60% khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hơn 3.000 điểm kinh doanh cung cấp dịch vụ cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Kết quả này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của Mobile Money, đặc biệt khi Viettel có hàng chục triệu thuê bao viễn thông. Nguyên nhân là do khách hàng chưa thay đổi thói quen, trở ngại về mặt bảo mật. Bên cạnh đó, về mặt pháp lý cũng có một số vướng mắc, như hạn mức tiêu dùng hàng tháng so với nhu cầu thực tế”, ông Việt đánh giá.

Hướng tới mục tiêu 10 triệu khách hàng

Từ tháng 10/2022, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các nhà mạng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

“Việc kết nối giữa Mobile Money và NAPAS là một thành công đối với dịch vụ mà chúng tôi cung cấp trên Viettel Money. Khách hàng có thể dùng tài khoản của mình chuyển khoản đến hơn 50 ngân hàng sau khi chúng tôi kết nối. Nhìn vào kết quả sau 3 tháng triển khai, có thể thấy lượng giao dịch cũng như giá trị dòng tiền đều tăng trưởng gấp đôi. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi khơi thông được dòng tiền vào tài khoản”, ông Trương Quang Việt chia sẻ.

Về giải pháp, ông Việt cho biết, Viettel sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình chợ 4.0 phủ khắp 63 tỉnh, thành phố để tạo thói quen cho người dùng. Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông tạo thói quen thanh toán bằng công cụ điện tử cho người dân. Đồng thời, Vietttel sẽ tăng điểm kinh doanh hỗ trợ nạp, rút tại 63 tỉnh, thành phố, đến huyện, xã.

Theo Hiệp hội Các nhà khai thác di động toàn cầu (GSMA), việc phát triển các điểm kinh doanh là yếu tố dẫn đến thành công của dịch vụ Mobile Money, khi một đại lý Mobile Money có phạm vi tiếp cận gấp 7 lần phạm vi của máy ATM và gấp 20 lần phạm vi tiếp cận của các chi nhánh ngân hàng.

“Việc kết hợp giữa nhà mạng và ngân hàng sẽ đem đến những tiện ích về thanh toán dịch vụ nhiều hơn, đa dạng hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi tích cực đẩy mạnh hợp tác với phía ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ để tạo ra hệ sinh thái Mobile Money rộng nhất, tiện nhất cho người dùng”, ông Việt nhấn mạnh.

Để mục tiêu tăng trưởng người dùng Mobile Money đạt mức 3 con số trong năm 2023, tức là sẽ có khoảng 10 triệu thuê bao có thể sử dụng Mobile Money như Ngân hàng Nhà nước đã đề ra, ngoài sự nỗ lực của chính các nhà mạng, còn cần nhiều giải pháp khác.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vấn đề tiếp theo cần thực hiện để tăng trưởng người dùng Mobile Money là tăng điểm chấp nhận thanh toán, để giao dịch được thuận tiện hơn. Bên cạnh dịch vụ liên thông với tài khoản ngân hàng, nhà mạng cần mở rộng thêm điểm chấp nhận thanh toán, trên cơ sở đó, người dùng mới có thể thanh toán mọi hàng hóa, dịch vụ như tài khoản ngân hàng. Bên cạnh việc liên thông với ngân hàng, NAPAS, thì Mobile Money phải liên thông với các đơn vị cung ứng sản phẩm hàng hóa dịch vụ thương mại thiết yếu.

Ông Nguyễn Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tài chính số (Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam) thì đề xuất, cần cho phép liên thông các tài khoản Mobile Money giữa các nhà mạng với nhau. Theo đó, người sử dụng thuê bao của Vinaphone có thể chuyển tiền cho người sử dụng thuê bao của Vietttel và ngược lại. Ngoài ra, hạn mức chi tiêu, chuyển tiền của Mobile Money cần được nâng lên, thay cho quy định tối đa là 10 triệu đồng/tháng như hiện nay. 

Tương tự, bà Phạm Minh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone khuyến nghị, cần cho phép các nhà mạng kết nối vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để việc đăng ký không sai so với chứng minh thư cũ; cho phép liên thông giữa các nhà mạng để có thể trở thành hệ sinh thái của Việt Nam; cho phép cung cấp thêm một số dịch vụ mới trên Mobile Money và không nên giới hạn Mobile Money chỉ là dịch vụ thanh toán với hạn mức nhỏ.

Giải tỏa điểm nghẽn để Mobile Money tăng tốc
Sau 6 tháng thử nghiệm, với số lượng người dùng dịch vụ Mobile Money đạt rất thấp, nhà mạng đã đề xuất nhiều giải pháp khơi thông điểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư